Văn hóa là nguồn lực, động lực phát triển TP Cần Thơ Bài 3: Khơi thông dòng chảy công nghiệp văn hóa

14/03/2023

Theo nhận định của các chuyên gia và nhà quản lý, các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. CNVH còn có vai trò then chốt trong thúc đẩy bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế. Việc khơi thông nguồn lực để phát triển CNVH ở TP Cần Thơ đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã dần xác lập vị thế trung tâm vùng về tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội. Trong ảnh: Khai mạc Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2022.

Từng bước hình thành

“Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Chính phủ ban hành vào năm 2016 đã xác định 12 ngành CNVH: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triểm lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Tại hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa tổ chức, quan điểm “Phát triển các ngành CNVH sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, đóng góp tích cực cho nền kinh tế; đồng thời, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” một lần nữa được khẳng định.

Tại TP Cần Thơ, việc phát triển CNVH ghi nhận những thành quả ban đầu. Ðó là xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn, tạo điều kiện cho toàn xã hội có điều kiện được tham gia hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập; đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm từng loại hình. Giai đoạn 2016-2022, thành phố đã tiếp nhận, cấp phép khoảng 210 đơn vị tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang ngoài công lập đến tổ chức biểu diễn trên địa bàn thành phố.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, đơn vị nghệ thuật ngoài công lập ra đời. Cần Thơ hiện có hơn 50 công ty, đơn vị, hoạt động lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, ở các loại hình tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, thời trang, văn hóa du lịch... Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Công ty Người mẫu Tây Ðô, là một trong những người tiên phong làm CNVH ở Cần Thơ trong lĩnh vực thời trang. Theo ông, thị trường CNVH ở Cần Thơ không quá sôi động, dù tiềm năng còn nhiều. Cần Thơ chưa có doanh nghiệp văn hóa quy mô, tầm cỡ như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Dù vậy, các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập ở Cần Thơ vẫn rất nỗ lực, dần khẳng định vị trí. Hay với Vũ đoàn Hồng Anh, từ một nhóm múa nhỏ nay đã trở thành vũ đoàn tên tuổi ở khu vực ÐBSCL, từng tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn của Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ… Ở lĩnh vực điện ảnh, Cần Thơ tạo điều kiện, cơ chế, thủ tục phát triển mạng lưới rạp chiếu phim tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Thành phố có 5 rạp chiếu phim trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng; với 25 phòng chiếu, được trang bị máy chiếu kỹ thuật số hiện đại, tổng sức chứa hơn 2.700 ghế. Trung bình hằng năm, có khoảng 20 đơn vị, cơ sở sản xuất phim trong nước và quốc tế đến Cần Thơ liên hệ ghi hình.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, đánh giá: Hiện nay CNVH đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Cần Thơ, phát triển rõ rệt về chất lượng so với 10 năm trước. Cần Thơ từng bước xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, lợi thế và tiềm năng phát triển CNVH ở Cần Thơ tập trung vào 5 trụ cột chính là: nghệ thuật biểu diễn, du lịch sinh thái, lễ hội, hội chợ triển lãm và các địa điểm lịch sử - truyền thống.

Khơi thông nguồn lực

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, khó khăn của TP Cần Thơ là chưa tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ hiệu quả trong phát triển CNVH. Cụ thể, Sở VHTT&DL quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, điện ảnh, bản quyền tác giả, du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ quản lý công nghệ, khoa học và tài sản trí tuệ; Sở Thông tin và Truyền thông quản lý báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản; Sở Xây dựng quản lý kiến trúc…Việc này về mặt khách quan theo quy định của ngành dọc về chức năng nhiệm vụ. Sự “phân chia” như vậy sẽ làm hạn chế nguồn lực kết hợp văn hóa và kinh tế, hoặc trong tạo các sản phẩm phục vụ thương mại và du lịch; chưa tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia sáng tạo, đa dạng hóa hình thức thể hiện mang tính ứng dụng cao trong sản phẩm dịch vụ.

Cơ chế hợp tác công tư trong việc phối hợp nâng cấp sửa chữa các hạ tầng văn hóa cũng còn gặp không ít khó khăn. Ðơn cử, có nhà đầu tư muốn hợp tác sửa chữa Nhà hát Tây Ðô bằng nguồn kinh phí của họ, để khai thác làm rạp chiếu phim và vẫn chừa đủ không gian để nhà hát biểu diễn, tập luyện… nhưng lại vướng các quy định về khai thác tài sản công. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, việc thu hút đầu tư các khu vui chơi giải trí, các khu du lịch quy mô lớn ở Cần Thơ chưa đạt kết quả do vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư lâu dài, nên các doanh nghiệp cần nhiều thời gian nghiên cứu tính khả thi. Thành phố chưa có những không gian sáng tạo văn hóa nhằm phát huy tài năng, tâm huyết từ các văn nghệ sĩ, nhà trí thức… Cơ sở hạ tầng thể thao xuống cấp, chưa được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp kịp thời, nên không tổ chức được các sự kiện quốc gia và quốc tế. Ðặc biệt, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật về đêm chưa nhiều.

Những năm gần đây, khái niệm kinh tế đêm được nhắc đến như một trong những giải pháp quan trọng tăng sức hút du khách, tạo hệ thống sản phẩm dịch vụ đa dạng, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách. Tại Cần Thơ, các hoạt động kinh tế đêm thông qua chợ đêm, phố đi bộ, các khu ẩm thực, giải trí, nhà hàng, karaoke, quán bar, rạp chiếu phim… Tuy nhiên, những hoạt động này thường bị giới hạn về thời gian, các dịch vụ chưa có bản sắc riêng.

Ông Nguyễn Khánh Tùng thông tin thêm: Nhiều năm qua, hệ số lưu trú tại Cần Thơ vẫn chưa vượt quá 2 ngày, một phần do hoạt động kinh tế về đêm của thành phố còn đơn điệu. Do đó, việc phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho kinh tế - xã hội địa phương, nhất là về du lịch. UBND thành phố đã phê duyệt thực hiện Ðề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều). Sau gần 1 năm, đề án cho thấy hiệu quả bước đầu, điểm nhấn là mô hình Phố Ði bộ Ninh Kiều vào tối thứ bảy hằng tuần.

TS Nguyễn Quốc Nghi, Trường Kinh tế, thuộc Trường Ðại học Cần Thơ, cũng đánh giá, tiềm năng, thị trường sản phẩm, dịch vụ liên quan đến kinh tế đêm của TP Cần Thơ còn nhiều dư địa. TP Cần Thơ cần nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch trọng tâm. Nên xác định khu vực, tuyến phố ưu tiên phát triển kinh tế đêm gắn liền với thế mạnh hạ tầng du lịch; xác định sản phẩm, dịch vụ đặc trưng. Cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có uy tín, giàu kinh nghiệm tham gia phát triển. Cần có chính sách ưu tiên phát triển các chương trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử, thi ca cải lương…; gia tăng sự trải nghiệm cho du khách, từ đó tăng khả năng chi tiêu của du khách.

Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Công ty Người mẫu Tây Ðô, chia sẻ các doanh nghiệp, đơn vị làm nghệ thuật ngoài công lập cần có sự hợp tác để gia tăng thế mạnh. Thực tế thời gian qua, một số chương trình nghệ thuật quy mô do các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập thực hiện đã tạo dấu ấn, đơn cử như Khai mạc Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia năm 2022, Khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ... Ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng nhấn mạnh, cần đổi mới trong cách làm nghệ thuật để tham gia thị trường văn hóa. Xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật là vấn đề sống còn, mở ra một thị trường văn hóa cạnh tranh công bằng, lành mạnh, từ đó thúc đẩy tính sáng tạo, đổi mới của CNVH. Theo ông Nhâm Hùng, trong phát triển CNVH, yếu tố con người là rất quan trọng, một người phải đóng vai “4 nhà”: nhà quản lý, nhà tổ chức, nhà chuyên môn và nhà kinh tế. Từ đó, thực hiện thành công quan điểm chỉ đạo “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” đã được Ðảng ta xác định.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định mục tiêu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Một khi văn hóa và CNVH song hành cùng nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra sức mạnh mềm, tài nguyên quốc gia.

 

Nguồn: ĐĂNG HUỲNH - Báo Cần Thơ

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video