Phân tích hiện trạng và mối tương tác giữa nghèo với tính dễ bị tổn thương liên quan đến biến đổi khí hậu ở khu vực đô thị thành phố Cần Thơ

25/07/2019

Tác giả: TS. Trần Thanh Bé và các cộng sự

Đơn vị tư vấn: Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

Đơn vị chủ quản: CCCO

Năm thưc hiện: 2014

TỔNG QUAN DỰ ÁN

Thành phố Cần Thơ (TPCT) là một trong những địa phương có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Việt Nam và là một trong những địa phương chịu tác động mạnh mẽ của tiến trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là những tác hại của thiên tai và các thay đổi bất thường của thời tiết. Tốc độ đô thị hóa nhanh ở TPCT đã làm xuất hiện một bộ phận người nghèo mất đất nông nghiệp, hoặc nghèo do ảnh hưởng bởi các dự án phát triển đô thị (những đối tượng bị ảnh hưởng phải di dời tái định cư, mất công ăn việc làm, thay đổi sinh kế,..). Bên cạnh đó, sự phát triển của TPCT đã tạo ra "lực hút" đối với làn sóng di cư lao động (chủ yếu là những người nghèo tìm kiếm việc làm) đến từ các vùng nông thôn lân cận. Mặc dù, thời gian qua chính quyền thành phố đã có chủ trương huy động mọi nguồn lực giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo thông qua các chính sách trợ giúp về phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến nông, tiêu thụ sản phẩm,.... tuy nhiên vấn đề nghèo đói vẫn là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững và các vấn đề lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Nghiên cứu do Viện Kinh tế – Xã hội TPCT thực hiện, với sự hỗ trợ của Văn phòng Công tác BĐKH TPCT (CCCO) và Viện Xã hội và Môi trường thế giới (Institute for Social and Environment Transition - ISET). Nghiên cứu nhằm hướng đến mục tiêu giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương của các đối tượng nghèo làm cơ sở định hướng, lập các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương sống ở khu vực đô thị TPCT. Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 30 cán bộ sở ngành, 84 cán bộ phường của 5 quận nội ô, đánh giá nhanh 15 nhóm cộng đồng và phỏng vấn trực tiếp 850 hộ gia đình có chất lương cuộc sống thấp tại 5 quận nội ô TPCT.

Đặt vấn đề

Người nghèo được xem là đối tượng dễ bị tổn thương nhất đối với những tác động của môi trường bên ngoài bởi vì họ có ít nguồn lực và điều kiện để duy trì và thích ứng sinh kế. Bên cạnh các xu thế thay đổi của nền kinh tế như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lạm phát, tăng giá tiêu dùng, đô thị hóa làm di cư lao động từ nông thôn ra thành thị,.. thì thiên tai và các thay đổi bất thường của thời tiết cũng được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng nguy cơ tổn thương của người nghèo.

Giai đoạn 1993-2006 hơn 34 triệu trong tổng số 85 triệu người dân Việt Nam đã thoát nghèo nhờ vào các chính sách phát triển, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ (DFID, 2008). Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH ước tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 9,5% trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ĐBSCL là 7,32%. Đối với thành phố Cần Thơ, theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo ở Cần Thơ là 7,84% (tương đương với 22,9 nghìn hộ) và hộ cận nghèo chiếm 6,43%, tương đương 18,8 nghìn hộ (Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, 2012). Tuy nhiên, nguy cơ tái nghèo rất cao đối với những hộ gia đình vừa thoát nghèo trong một vài năm trở lại đây do mức sống, thu nhập đang ở gần ngưỡng của chuẩn nghèo mới (nhóm đối tượng có nguy cơ nghèo chủ yếu là do thiếu hụt các nguồn vốn sinh kế như lao động, vốn, quan hệ xã hội,..) nên rất dễ bị tái nghèo nếu gặp phải những “cú sốc” về kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa, hàng loạt những thay đổi của nền kinh tế như chuyển dịch cơ cấu, lạm phát, tăng giá tiêu dùng, đô thị hóa làm di cư lao động từ nông thôn ra thành thị, cộng với các yếu tố khắc nghiệt thời tiết, thay đổi môi trường do tác động của biến đổi khí hậu (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 2012) đã trở thành các yếu tố "cộng hưởng" khiến cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo ở đô thị càng khó khăn hơn nhất trong điều kiện họ có ít nguồn lực và điều kiện để duy trì và thích ứng sinh kế.

Sự cần thiết của nghiên cứu

Thành phố Cần Thơ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Việt Nam và là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hoá cao trong thời gian qua và chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác hại của thiên tai và các thay đổi bất thường của thời tiết. Cũng giống như các đô thị đang phát triển khác, bên cạnh những chuyển biến tích cực của nền kinh tế làm diện mạo đô thị ngày càng thay đổi hiện đại hơn, đời sống người dân nói chung được cải thiện hơn, tiến trình đô thị hóa ở Cần Thơ cũng làm xuất hiện một bộ phận người nghèo mất đất nông nghiệp, hoặc một nhóm người dễ bị tổn thương do phải chuyển đổi ngành nghề (những đối tượng bị ảnh hưởng phải di dời tái định cư, mất công ăn việc làm, thay đổi sinh kế,..). Thêm vào đó, sự phát triển của thành phố Cần Thơ đã tạo ra "lực hút" đối với làn sóng di cư lao động (chủ yếu là những người nghèo tìm kiếm việc làm) đến từ các vùng nông thôn lân cận làm gia tăng nhóm đối tượng nghèo và dễ bị tổn thương, gây khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Thời gian qua chính quyền thành phố đã có chủ trương huy động mọi nguồn lực giúp các nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo và dễ bị tổn thương vươn lên thoát nghèo thông qua các chính sách trợ giúp về phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến nông, tiêu thụ sản phẩm,.... Tuy nhiên việc giải quyết các chính sách xã hội đối với nhóm đối tượng này vẫn đang là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững và các vấn đề lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Trong điều kiện xuất hiện các biểu hiện tác động của biến đổi khí hậu (nhiệt độ cao, bão/lốc xoáy, ngập lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở bờ sông,... hoặc các thay đổi bất thường của mùa và thời tiết bất từng năm) khiến cho các nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo và dễ bị tổn thương (bao gồm cả dân bản địa và lao động di cư) phải đối mặt với "khó khăn kép" đó là: vừa phải đối phó với các khó khăn trong tìm kiếm công ăn việc làm, thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội.... vừa phải ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu làm cho tính dễ bị tổn thương (trong đời sống và sinh kế) của nhóm đối tượng này càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Xuất phát từ tình hình trên, nghiên cứu hiện trạng, tương tác giữa nghèo và tính dễ bị tổn thương liên quan đến biến đổi khí hậu ở khu vực đô thị thành phố Cần Thơ được thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương cho cư dân nghèo, cận nghèo và dễ bị tổn thương ở đô thị làm cơ sở định hướng, đề xuất chính sách trong lập các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ hiệu quả cho chính quyền và các Sở ngành có liên quan của thành phố Cần Thơ trong các vấn đề về giảm nghèo, giải quyết an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững.

Mục tiêu tổng quát

Phân tích hiện trạng và mối tương quan giữa nghèo, dễ bị tổn thương với tác động của BĐKH ở đô thị thành phố Cần Thơ; tìm hiểu mong muốn của các đối tượng này để đề xuất các giải pháp giảm nhẹ tổn thương và nâng cao năng lực thích ứng BĐKH.

Mục tiêu cụ thể

(i) Mô tả đặc điểm và xác định cơ cấu của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương theo các tiêu chí: nhóm đối tượng, nguyên nhân tổn thương, giới tính,..;

(ii) Phân tích diễn tiến/xu hướng phát triển kinh tế-xã hội và thay đổi bất thường của thời tiết/thiên tai ở thành phố Cần Thơ và ảnh hưởng của các xu hướng này đến sinh kế của người nghèo, cận nghèo và dễ bị tổn thương; nhận dạng những nguy cơ, tác động tiềm tàng của BĐKH đối với các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương;

(iii) Phân tích mối tương quan và năng lực ứng phó, mong muốn sinh kế của của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương với xu hướng phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi bất thường của thời tiết và BĐKH;

(iv) Đề xuất các giải pháp giảm nhẹ tính tổn thương và xây dựng các đề án cụ thể hóa chính sách nâng cao năng lực thích ứng BĐKH của thành phố Cần Thơ.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Các đối tượng nghiên cứu, bao gồm:

+ Con người: cư dân đô thị Cần Thơ và lao động di cư từ các địa phương khác. Đặc biệt là nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo có chất lượng cuộc sống thấp và gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.

+ Các nhân tố ảnh hưởng đến tính dễ bị tổn thương: hoàn cảnh sống, xu hướng xã hội, xu hướng kinh tế và BĐKH.

Nghiên cứu được thực hiện trên phạm vi 05 quận nội ô thành phố Cần Thơ, bao gồm Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt. Địa bàn lấy mẫu nghiên cứu được thực hiện tại các phường của các quận nội ô nêu trên; đồng thời thu thập số liệu thứ cấp ở các cấp độ Sở ngành, địa phương.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tổng quan tính dễ bị tổn thương của cư dân đô thị

Hiện trạng nhóm cư dân đô thị và tương quan giữa nghèo với tính dễ bị tổn thương

Giải pháp và gợi ý chính sách

(Thông tin chi tiết tại:

http://cids.org.vn/com_contact/contact.htm)

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video