Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ

25/07/2019

Tác giả: TS. Trần Thanh Bé, ThS. Trần Thế Như Hiệp

Thực tiễn phát triển thế giới trong thời gian qua và trong các thập kỷ tới đã, đang và sẽ thay đổi một cách nhanh chóng; do vậy, luôn đòi hỏi tư duy kinh tế thể hiện trong các chiến lược, chính sách, thể chế ở mỗi quốc gia phải được điều chỉnh phù hợp. Không nằm ngoài quy luật đó, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường quan trọng, từ những tư duy đổi mới trong Đại hội VI (tháng 12/1986), ngày càng khẳng định qua các kỳ Đại hội, đến Đại hội XI (tháng 1/2011) và Hiến pháp 2013 (tháng 11/2013) – từ nền kinh tế kế hoạch tập trung chuyển sang kinh tế nhiều thành phần và nay khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế tri thức, phát triển xanh... Công cuộc đổi mới ấy, dù có nhiều khó khăn, thử thách, đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng tự thân giữa thập niên 80 thế kỷ trước, thoát nghèo vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới (WTO, ASEAN, …), nâng tầm đất nước trên bản đồ kinh tế - chính trị thế giới.

Nội hàm “tư duy mới phát triển kinh tế - xã hội” có thể gồm nhiều nội dung như: nhận thức về quan hệ giữa CNXH với kinh tế thị trường; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; quan hệ sở hữu, phân phối với quản lý; quan hệ giữa nhà nước và thị trường; hội nhập kinh tế và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ...

Trong khuôn khổ Toạ đàm khoa học "Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới"; tham luận "Tư duy mới phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ" nêu một số vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ trong bối cảnh mới trong nước và quốc tế để cùng với các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận các vấn đề có liên quan tiếp tục góp phần hoàn thiện tư duy mới trong phát triển bền vững và hiệu quả cho nền kinh tế đất nước nói chung.

Trong tiến trình đổi mới và phát triển, nhiều cơ hội và nhiều thách thức đặt ra cần xem xét giải quyết. Thách thức lớn nhất, phức tạp nhất chính là thách thức về sự bất cập trong tư duy, quan điểm phát triển. Nếu không giải quyết vấn đề này một cách phù hợp thì nguy cơ tụt hậu xa hơn là điều khó tránh khỏi.

Nhận thức được tầm quan trọng của nội dung này, thành phố Cần Thơ tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng và lợi thế của thành phố, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và nội ngành theo hướng hiệu quả - công nghệ cao, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn với nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại và đồng bộ. Mạnh mẽ cải cách nền hành chính công theo hướng phục vụ, tạo mội trường thuận lợi, huy động mọi nguồn lực (con người, tài chính, khoa học, quản lý...). Đồng thời, tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; đảm bảo thực thi tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, chăm lo sức khỏe nhân dân, bảo vệ tài nguyên và môi trường,...

Để xứng đáng là đô thị trung tâm động lực phát triển vùng, Cần Thơ cũng rất cần có sự liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng, sự hỗ trợ của Trung ương và các bộ ngành cùng hợp tác quốc tế./.

Các nội dung của Báo cáo:

1. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ, thành tựu và hạn chế

2. Tư duy phát triển KT-XH của thành phố Cần Thơ

3. Đề xuất – kiến nghị

(Thông tin chi tiết tại:

http://cids.org.vn/com_contact/contact.htm)

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video