Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ tháng 7 năm 2019

29/07/2019

Báo cáo từ Cục Thống kê thành phố Cần Thơ, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ tháng 7 năm 2019 như sau:

I. CÔNG NGHIỆP

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tháng 7 tăng 4,33% so với tháng trước và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,09%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,76%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 7,42% so với cùng kỳ.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước 7 tháng tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,31%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,23%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 4,82%. Trong đó, có một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá như: Phi lê đông lạnh tăng 18,3%; tôm đông lạnh tăng 13,16%; thức ăn cho gia súc tăng 3,43%; thức ăn cho thủy sản tăng 10,62%; bia lon tăng 10,52%; nước ngọt tăng 2,59%; nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 2,57%; quần áo tăng 15,41%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 0,57%; bao và túi bằng giấy tăng 11,44%; thùng, hộp bằng bìa cứng tăng 1,42%; sản phẩm in khác tăng 7,15%; thuốc diệt cỏ tăng 4,02%; dược phẩm tăng 30,51%; bao và túi bằng plastic khác tăng 18,53%; xi măng tăng 3,59%; sắt, thép tăng 9,99%; đinh, đinh mũ, ghim dập tăng 16,79%; các loại tàu khác tăng 13,55%; tủ bằng gỗ khác (trừ tủ bếp) tăng 35,23%; bàn bằng gỗ các loại tăng 10,81%; bộ sa lông tăng 10,12%; găng tay thể thao tăng 3,85%; nước sinh hoạt tăng 4,56%. Nguyên nhân tăng do doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của các thương hiệu quốc tế uy tín, những doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng như đinh cuộn, đinh, bê tông, đinh rời phục vụ cho các ngành công nghiệp sản xuất, ngành đóng gỗ, đóng pallet công nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, trong tháng này một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, may mặc có dấu hiệu khởi sắc và doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất do tìm kiếm được nhiều thị trường mới, đồng thời doanh nghiệp đóng tàu đã hoạt động sản xuất khả quan hơn, có nhiều đơn hàng hơn.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số tồn tại khó khăn: năng lực cạnh tranh chưa cao, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở một số ngành lĩnh vực còn chậm, có nơi chưa thực sự quyết liệt. Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động các nguồn lực, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 7 tăng 5,16% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng chỉ số tiêu thụ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,39%; sản xuất đồ uống tăng 6,18%; dệt tăng 26,2%; sản xuất trang phục tăng 11,98%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 0,57%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 6,64%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 7,15%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 12,42%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 30,35%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,42%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2,49%; sản xuất kim loại tăng 10%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,86%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 11,17%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 7,33%. Chỉ số tiêu thụ các sản phẩm trên tăng do doanh nghiệp phát triển mạnh hệ thống bán lẻ thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp quản lý, bình ổn thị trường, giá cả.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/07/2019 là 82,43% so với tháng cùng kỳ.

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 07/2019 tăng 0,14% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,13%, doanh nghiệp Ngoài Nhà nước tăng 0,14% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,12%. Số lao động tại các doanh nghiệp vẫn giữ mức ổn định, mức tăng giảm không đáng kể, vẫn duy trì ở mức bình thường.

II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN

1. Nông nghiệp

1.1. Trồng trọt

- Cây lúa: Lúa Hè thu 2019 đã xuống giống ước đạt 79.612 ha, đạt 105% so với kế hoạch (KH 75.800 ha), so với cùng kỳ giảm 1.142 ha. Nông nghiệp tiếp tục mở rộng thực hiện mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền và quận Thốt Nốt với khoảng 115 mô hình cánh đồng lớn với diện tích ước đạt 29.490 ha, tăng so với cùng kỳ 4.073 ha, với khoảng 21.238 hộ tham gia. Các giống lúa được gieo trồng chủ yếu trong vụ Hè thu bao gồm: OM 5451 chiếm tỷ lệ 61% so với diện tích gieo trồng, OM 4218 chiếm tỷ lệ 4%, IR50404 chiếm tỷ lệ 26%, Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 1%, các giống khác chiếm tỷ lệ 8%. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng giá trị hàng hóa nông sản để góp phần tăng thu nhập cho nông dân, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo sử dụng các giống lúa đặc sản chất lượng cao trong vụ Hè thu 2019 chiếm trên 74% diện tích gieo trồng.

Hiện nay, lúa Hè thu đang ở giai đoạn trổ đến chín, cây lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt; Từ giữa đến cuối tháng 6/2019, do ảnh hưởng mưa, kèm theo gió lớn trên trà lúa chín có khoảng 4.166 ha đổ ngã (Trong đó: 333 ha tỷ lệ đổ ngã dưới 30%, 2.486 ha tỷ lệ đổ ngã 30-70% và 1.407 ha tỷ lệ đổ ngã trên 70%) tập trung tại huyện Vĩnh Thạnh, nên đã ảnh hưởng một phần năng suất và sản lượng lúa, hiện nông dân đang tích cực thu hoạch lúa. Đến nay toàn TP thu hoạch được khoảng 78.361 ha, nhanh hơn 4.416 ha so với cùng kỳ 2018, đạt trên 98% so với diện tích gieo trồng của vụ; Năng suất ước đạt 59,03 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ khoảng 1,37 tạ/ha; Nguyên nhân do thời tiết có độ ẩm cao khí hậu mát, cây lúa phát triển tốt sâu bệnh ít, nhất là bệnh muỗi hành,… Hiện nay còn huyện Vĩnh Thạnh chưa thu hoạch xong.

Trên chân ruộng đã thu hoạch xong lúa Hè thu và màu Xuân hè, bà con nông dân tiếp tục sản xuất vụ lúa Thu đông. Đến nay, toàn TP đã xuống giống ước được 59.365 ha lúa Thu đông đạt khoảng 99,40% so với kế hoạch (KH: 59.720 ha), chậm hơn 2.993 ha so với cùng kỳ.

Hiện nay, lúa Thu đông đang ở giai đoạn mạ, đến đẻ nhánh, cây lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt; Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa liên tục nhiều ngày lúa Thu đông gieo sạ lại ở một số diện tích ruộng trũng khó thoát nước làm cho chi phí tăng. Các giống lúa được gieo trồng chủ yếu trong vụ Thu đông bao gồm: OM 5451 chiếm tỷ lệ 65% so với diện tích gieo trồng, OM 4218 chiếm tỷ lệ 3%, IR50404 chiếm tỷ lệ 23%, Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 1%, các giống khác chiếm tỷ lệ 2%. Tổng diện tích nhiễm dịch hại là 942 ha, cao hơn 674 ha so với cùng kỳ vụ Thu đông 2018, chủ yếu thấp hơn diện tích nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn lá.

Đến nay, toàn thành phố có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy, đáp ứng cắt gặt trên 92% diện tích lúa Đông xuân và 100% vụ Hè thu. Thực tế với cơ chế phối hợp liên vùng, khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn… đã góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, tăng năng suất lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động nông nghiệp lúc thời vụ, đồng thời giảm tổn thất.

Trong tháng giá lúa tươi tăng so với tháng trước khoảng 200đ/kg, cụ thể như sau: giá lúa các giống lúa OM: 4.200-4.400 đồng/kg, giá lúa IR 50 404: 3.800-3.950 đồng/kg, vẫn đảm bảo nông dân đạt lợi nhuận trên 30%. Hiện nay, lúa tươi chủ yếu còn tại huyện Vĩnh Thạnh, do tình hình mưa bão thương lái sợ ảnh hưởng đến chất lượng lúa nên giảm thu mua.

- Cây hàng năm khác: Toàn thành phố gieo trồng cây hàng năm khoảng 11.346 ha, cao hơn so với cùng kỳ 627 ha. Nguyên nhân: Diện tích tăng tập trung chủ yếu cây mè ở quận Ô Môn, Thốt Nốt do vụ lúa Đông xuân năm nay thời tiết không thuận lợi và có rất nhiều diện tích lúa bị cháy rầy, giá lúa xuống rất thấp nên bà con chuyển sang trồng cây mè. Toàn TP đã thu hoạch khoảng 8.608 ha cây hàng năm khác nhanh hơn cùng kỳ 252 ha, năng suất các cây hàng năm khác ổn định. Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo xây dựng và mở rộng vùng rau an toàn ứng dụng KHKT vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, tạo sản phẩm tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông hộ.

- Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm ước đạt 20.290 ha so cùng kỳ năm 2018 tăng 2,87% bằng 565 ha; Trong đó diện tích cây ăn quả gieo trồng ước 18.466 ha, chiếm 91,01% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 3,11%, bằng 556 ha so cùng kỳ năm 2018 tập trung chủ yếu ở những cây xoài tăng 7,76%, đu đủ tăng 141 ha; sầu riêng tăng 13,72%; cam tăng 138 ha,…. Diện tích cây dừa gieo trồng ước là 1.824 ha, tăng 9 ha so cùng kỳ. Nguyên nhân diện tích tăng do nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn, chủ yếu ở quận Ô Môn, huyện Phong Điền,… Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh; Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái.

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng, trên địa bàn thành phố Cần Thơ không có ổ dịch gia súc và cúm gia cầm nào xảy ra; Tính đến ngày 3/7/2019, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 429 hộ chăn nuôi heo thuộc 51 xã, phường của 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ. Tổng số heo trong ổ dịch là 12.276 con, số bệnh là 5.448 con, chết 2.518 con, số heo tiêu hủy là 11.770 con (ngành Thú y tiêu hủy 11.482 con, khối lượng là 591.897,6 kg và chủ hộ tự hủy 288 con).

Hiện trên địa bàn thành phố có 13 cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm. Trong đó có 8 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống, với khả năng cung cấp gần 5.000 con giống/năm và 5 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống, với khả năng cung ứng khoảng 700.000 – 750.000 con giống/năm; Cơ sở nuôi giữ heo đực giống hiện có 29 cơ sở với tổng đàn 127 con; Hàng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 110.000 – 115.000 liều tinh.

Giá heo hơi hiện nay dao động ở mức từ còn 32.000đ/kg - 35.000đ/kg, so với tháng trước tăng 2.000-5.000đ/kg, so với cùng kỳ giảm khoảng 10.000đ/kg (Nguyên nhân giảm là do thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Cần Thơ phát hiện 9 quận có nhiễm vius dịch tả lợn Châu Phi nên tâm lý của người dân lo sợ không sử dụng thịt nữa mà chuyển sang dùng các loại khác từ đó giá heo giảm xuống). Giá vịt ta hơi ở mức từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, vịt xiêm 65.000 – 70.000 đồng/kg; Gà thả vườn dao động khoảng 100.000-115.000 đồng/kg. Trong khi chi phí thức ăn, tấm cám ở mức khá cao, giá đầu ra của gia cầm hiện tại vẫn đảm bảo có lợi cho người nuôi.

Hiện nay, chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học chưa nhiều.

2. Lâm nghiệp

Với vị trí địa lý của thành phố Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp tập trung không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn... tiếp tục chăm sóc các cây lâm nghiệp trồng phân tán đã trồng, đồng thời khai thác các cây đủ tiêu chuẩn phục vụ cho nhu cầu xây dựng, làm chất đốt trong đời sống....

3. Thủy sản

Trong tháng, diện tích nuôi thuỷ sản đã thu hoạch, được tiến hành cải tạo để thả nuôi cho vụ mới; Hiện nay giá cá tra giảm sâu ở mức 19.000 – 19.500 đ/kg, (cá từ 650 – 800 g/con), với giá này người nuôi lỗ 3.000 – 4.500 đồng/kg (giá thành cá tra 22.000 – 24.000 đồng/kg). Giá giảm mạnh hơn các tháng trước vì người dân thả nuôi quá nhiều làm cung vượt cầu, các cơ sở nuôi cung cấp nguồn cá tra nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu và chế biến trong những tháng đầu năm từ đủ cho đến dư, dự báo nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu cho việc xuất khẩu và chế biến từ nay đến cuối năm vẫn đủ và có thể dư do nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp vẫn còn. Với tình hình giá  như trên người nuôi cá tra hiện nay rất khó khăn.

Tình hình khai thác thủy sản: Do vào mùa mưa, số hộ khai thác tăng, nguồn thủy sản ngoài tự nhiên sinh sản nhiều và phát triển tốt, nên sản lượng khai thác trong tháng có phần tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, có 199 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong tháng đầu năm sản xuất ước được 35 triệu con cá tra giống cung cấp nhu cầu nuôi của thành phố và các tỉnh lân cận. Hiện nay, giá cá tra giống dao động từ 18.000 – 23.000 đồng/kg, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân – mẫu 30 con/kg giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân – mẫu 70 con/kg giá từ 21.000 – 23.000 đồng/kg.

Hiện tại các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ có khuynh hướng xây dựng vùng nuôi tập trung để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến. Ngành Nông nghiệp đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Đến nay, có 02 HTX nuôi cá tra với diện tích 27 ha; 43 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 144 ha; 20 vùng nuôi của 07 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 169,7 ha và tổng diện tích nuôi thủy sản ATTP theo tiêu chuẩn đạt 228,5 ha, bao gồm: 214,75 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 13,5 ha BAP+ASC.

III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ĐP quản lý

Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện tháng 7 năm 2019 được 423,76 tỷ đồng đạt 8,43% kế hoạch năm. Trong đó vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được là 100,03 tỷ đồng đạt 8,26% kế hoạch năm, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 57,3 tỷ đồng đạt 12,66% kế hoạch năm, vốn nước ngoài ODA 57,15 tỷ đồng đạt 7,06% kế hoạch năm, vốn xổ số kiến thiết 30 tỷ đồng đạt 3,57% kế hoạch năm, nguồn vốn khác thực hiện được 31,13 tỷ đồng đạt 6,62% kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện được 148,15 tỷ đồng đạt 11,89% kế hoạch năm.

Ước thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 07 tháng đầu năm 2019 là 2.326,09 tỷ đồng đạt 46,27% so kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố là 582,87 tỷ đồng đạt 48,15% so kế hoạch năm. Vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu thực hiện được 274,56 tỷ đồng đạt 60,66% so kế hoạch năm. Vốn nước ngoài ODA thực hiện được là 312,48 tỷ đồng đạt 38,62% so kế hoạch năm. Nguồn vốn từ xổ số kiến thiết thực hiện 183,76 tỷ đồng đạt 21,88% so với kế hoạch năm, nguồn vốn khác thực hiện được 174,76 tỷ đồng đạt 37,18% so với kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện thực hiện 797,66 tỷ đạt 64,04% kế hoạch năm.

Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 07 tháng đầu năm 2019 còn thấp so với kế hoạch năm, nguyên nhân là do một số công trình còn chưa triển khai thực hiện do chờ vốn, mặc dù đã có kế hoạch giao vốn từ đầu năm.

Một số công trình mới hiện đang trong giai đoạn giải phóng, thỏa thuận, bồi thường và chuẩn bị mặt bằng, cụ thể là dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu, công trình đường vành đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê Hồng Phong đến QL91B.

Một số công trình mới đang giai đoạn đấu thầu, chuẩn bị các thủ tục ban đầu, cụ thể là công trình Cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến Quốc lộ 61C, tổng mức đầu tư là 450 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2019 là 150 tỷ đồng.

Các công trình thuộc nguồn vốn ODA giải ngân còn chậm, đến hết tháng 6/2019 đạt 3,8% so với kế hoạch năm, đều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các công trình thuộc nguồn vốn này, cụ thể như Công trình Bệnh Viện Ung bướu Cần Thơ chưa được Trung ương phân bổ vốn chi tiết.

Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn Thành phố:

- Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, Dự án có tổng mức đầu tư 7.339,33 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 được giao 935,9 tỷ đồng (đã điều chỉnh). Dự tính lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 07/2019, thực hiện được 2.886 tỷ đồng, đạt 39,33% tổng mức đầu tư toàn dự án, dự tính tháng 07 năm 2019 thực hiện được 114,11 tỷ đồng.

- Dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn, Dự án có tổng mức đầu tư 416,74 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 được giao là 30 tỷ đồng. Dự tính lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 07 năm 2019 là 386 tỷ đồng đạt 92,65% tổng mức đầu tư toàn dự án, dự tính tháng 7 năm 2019 thực hiện được 4 tỷ đồng, dự tính dự án sẽ hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng trong quý III/2019.

- Dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn Mỹ Khánh – Phong Điền), dự án có tổng mức đầu tư là 546,47 tỷ đồng do Ban Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 được giao 13 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 07 năm 2019 ước thực hiện được 417 tỷ đồng đạt 76,94% tổng mức đầu tư toàn dự án. Dự án dự kiến hoàn thành trong quý IV/2019.

- Dự án mở rộng đường Quang Trung Cái Cui, dự án có tổng mức đầu tư là 1.097 tỷ đồng do Sở Giao thông vận tải thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 là 100 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 7 năm 2019 ước thực hiện 1.072 tỷ đồng đạt 97,79% so với tổng mức đầu tư toàn dự án. Dự án dự kiến hoàn thành trong đầu quý I năm 2020.

IV. THƯƠNG MẠI

1. Giá cả thị trường

Thị trường tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động, hàng hóa phong phú đa dạng về số lượng, chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 1,91% so với cùng tháng năm trước, tăng 1,86% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân cùng kỳ đạt 101,25%. So với tháng trước khu vực thành thị tăng 0,25%, nông thôn tăng 0,34%. Giá thịt heo tăng trở lại, giá rau củ quả tươi tăng, chính sách tiền lương mới được áp dụng từ 01/07/2019, nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập, sách vở cho năm học mới tăng, giá xăng dầu tăng trở lại là những nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá CPI tháng 7/2019 tăng so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính:

+ 08 nhóm hàng có chỉ số giá tăng với mức tăng từ 0,02% đến 1,29% so với tháng trước, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,51% so với tháng trước; đồ uống và thuốc lá tăng 0,36% so với tháng trước; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,18% so với tháng trước; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23% so với tháng trước; Giao thông tăng 0,02% so với tháng trước; Giáo dục tăng 0,99% so với tháng trước; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02% so với tháng trước; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,28% so với tháng trước.

+ 01 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm là: Nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,34% so với tháng trước.

+ 02 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá bằng 100% so tháng trước gồm: Thuốc và dịch vụ y tế và Bưu chính viễn thông.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 7 của các nhóm hàng chính

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,51% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 3,31%, so với tháng 12 năm trước tăng 2,09%.

+ Lương thực

Chỉ số nhóm lương thực tăng 0,23% so với tháng trước. Giá gạo giảm nhẹ do giá lúa Hè thu giảm thấp so với giá lúa vụ Đông xuân, việc xuất khẩu gạo gặp khó khăn cũng gây áp lực lên giá lúa Hè thu. Tuy nhiên giá các loại ngũ cốc khác như khoai lang, khoai mì đang tăng lên do nguồn cung giảm vì chưa đến vụ thu hoạch.

+ Thực phẩm

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 7/2019 tăng 0,76% so với tháng trước do tác động của nhóm thịt chế biến tăng 0,07%; dầu mỡ ăn và chất béo tăng 0,23%; thủy sản tươi sống tăng 2,07%; các loại đậu và hạt tăng 0,56%; rau tươi, khô và chế biến tăng 2,24%; quả tươi, chế biến tăng 3,37% so với tháng trước. Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác thay thế thịt heo do còn e ngại dịch bệnh. Bên cạnh đó, do thời tiết mưa nắng thất thường đã tác động xấu đến việc gieo trồng, thu hoạch nông sản làm tăng giá nhiều sản phẩm rau tươi tại chợ. Một số loại trái cây tươi đang cuối vụ nên giá tăng mạnh như xoài, dưa hấu, thanh long, táo Trung Quốc cũng tăng giá.

+ Ăn uống ngoài gia đình

Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,05% so với tháng trước do giá một số loại thức uống nhất là thức uống từ hoa quả như sinh tố trái cây, nước ép trái cây khu vực thành thị tăng do nhu cầu tiêu dùng trong mùa hè, mùa du lịch tăng và do giá một số quả tươi tăng vì hết mùa.

- Đồ uống và thuốc lá

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,36% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 1,81%, so với tháng 12 năm trước tăng 1,85%. Nguyên nhân do giá mặt hàng rượu mạnh, thuốc lá tăng giá vì chi phí sản xuất, kinh doanh tăng.

- May mặc, mũ nón, giầy dép

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,18% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,42%, so với tháng 12 năm trước tăng 0,36%. Do tác động tăng giá của nhóm mặt hàng quần áo may sẵn như: áo sơ mi nam, quần áo trẻ em, nhóm may mặc khác như: khăn mặt, khăn tắm, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm mũ, nón, áo mưa tăng.

- Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,34% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước giảm 2,75%, so với tháng 12 năm trước tăng 1,09%. Nguyên nhân do giá thép xây dựng giảm, giá sử dụng nước trong tháng giảm, giá gas và giá dầu hỏa bình quân giảm.

Giá thép xây dựng giảm nhẹ do giá thép thế giới giảm nhẹ cũng như nhu cầu tiêu dùng thép xây dựng đang chậm lại.

Thời tiết thay đổi mưa nhiều hơn so với tháng trước nên lượng sử dụng nước sinh hoạt trong tháng giảm.

Giá gas giảm 19.000 đồng/bình 12kg từ 01/7/2019, giá gas trong tháng giảm là do giá gas thế giới tháng 7/2019 đã giảm 57,5 USD/tấn so với giá gas tháng trước đó, chốt giá ở mức 365 USD/tấn, dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước giảm mạnh theo.

Giá dầu hỏa hiện là 15.950 đồng/lít, giảm 340 đồng/lít so với đầu tháng, tuy nhiên giá dầu bình quân trong tháng so với giá dầu hỏa bình quân tháng trước vẫn giảm 0,28%.

- Thiết bị và đồ dùng gia đình

Chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 2,66%, so với tháng 12 năm trước tăng 2,61%. Chỉ số nhóm này tăng chủ yếu ở các mặt hàng đồ điện tăng 0,31%, đồ dùng nấu ăn tăng 0,12%, đồng hồ treo tường và để bàn tăng 0,94%; giường tủ, bàn ghế tăng 0,31%, đồ dùng bằng nhựa tăng 0,75%, hàng thủy tinh, sành sứ tăng 1,68%, hàng dệt trong nhà tăng 0,33%, vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,32%, nguyên nhân do có một số sản phẩm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng giá trở lại sau đợt khuyến mãi trong tháng trước, giá nhân công, chi phí sản xuất tăng làm tăng giá sản phẩm.

- Giao thông

Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,02% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,04%, so với tháng 12 năm trước tăng 5,49%. Chỉ số nhóm này tăng do giá phụ tùng xe máy, xe đạp tăng 0,35%, giá nhiên liệu xăng dầu tăng 0,02% so với tháng trước.

Giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 02/7/2019 và ngày 17/7/2019, trong đó: giá xăng A95 tăng 1.100 đồng/lít, xăng E5 tăng 1.040 đồng/lít, dầu diezel 0,05S tăng 340 đồng/lít so với  giá xăng dầu cuối tháng trước. Tuy nhiên giá nhiên liệu bình quân trong tháng chỉ tăng nhẹ so với tháng trước. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran là động lực chính đẩy giá dầu thế giới tăng vọt, tác động đến giá xăng dầu trong nước.

- Giáo dục

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,99% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 10,30%, so với tháng 12 năm trước tăng 1,12%. Chỉ số giá nhóm này tăng do tác động của nhóm đồ dùng học tập và văn phòng tăng 2,17%, nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,75%. Nguyên nhân do nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới bắt đầu tăng mạnh trong tháng. Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 7/2019 bắt đầu áp dụng thu học phí theo mức học phí mới theo công văn số 238/ĐHCT-TC.

- Văn hóa, giải trí và du lịch

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 2,39%, so với tháng 12 năm trước tăng 1,26%. Chỉ số giá nhóm này tăng do tác động của nhóm đồ chơi trẻ em tăng 1,04%, một số mặt hàng đồ chơi trẻ em tăng giá do chi phí sản xuất tăng.

- Hàng hóa và dịch vụ khác

Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,28% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 2,49%, so với tháng 12 năm trước tăng 1,99%. Nhóm này tăng do tác động của nhóm đồ dùng cá nhân tăng 0,32%, dịch vụ khác tăng 5,82%. Nguyên nhân do giá các sản phẩm chăm sóc cơ thể như: kem dưỡng da, lọ keo tóc, dao cạo râu tăng giá. Lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng lên từ 01/7/2019 theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.

- Chỉ số giá vàng

Chỉ số giá vàng tháng 7/2019 tăng 4,59% so với tháng trước, tăng 8,44% so với tháng cùng kỳ năm trước và tăng 9,53% so với tháng 12 năm trước. Nguyên nhân do giá vàng thế giới tăng mạnh vượt ngưỡng 1.400 USD/ounce, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là nguyên nhân chính đẩy giá vàng thế giới tăng cao.

Giá vàng nhẫn 99,99 ngày 21/7/2019 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 3.960.000đ/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,52% so với tháng trước, tăng 1,23% so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 0,21% so với tháng 12 năm trước. Nguyên nhân là do tỷ giá USD/VND tại ngân hàng Vietcombank giảm do đồng đô la Mỹ  trên thế giới giảm trước thông tin Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất. Giá đô la Mỹ ngày 21/7/2019 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 23.310 đồng/USD.

2. Nội thương

Tình hình kinh doanh của các Doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ 7 tháng năm 2019 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tháng 7 tình hình kinh doanh các doanh nghiệp và hộ cá thể gặp nhiều thuận lợi hơn so với tháng trước do thời tiết ít mưa, dịch bệnh tả lợn Châu Phi được kiểm soát không bùng phát, các chương trình khuyến mãi hè tiếp tục áp dụng trên nhiều mặt hàng quần áo và điện máy làm sức mua với nhóm ngành may mặc và đồ dung dụng cụ gia đình tăng cao.

Ước tháng 7/2019, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 10.981,62 tỷ đồng tăng 13,38% so cùng kỳ, trong đó thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 6.415,37 tỷ đồng tăng 13,68% so cùng kỳ, thành phần kinh tế cá thể đạt 3.245,3 tỷ đồng tăng 14,48% so cùng kỳ, thành phần kinh tế Nhà nước đạt 1.105,20 tỷ đồng tăng 9,28% so cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế thì ngành Thương nghiệp chiếm 81,74% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 7/2019 đạt 8.976,66 tỷ đồng tăng 13,63% so cùng kỳ. Khách sạn nhà hàng ước đạt 860,12 tỷ đồng tăng 14,95% so cùng kỳ. Du lịch lữ hành ước đạt 24,05 tỷ đồng tăng 10,65% so cùng kỳ. Dịch vụ ước đạt 1.120,79 tỷ đồng tăng 10,32% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Thành phố ước tính 7 tháng năm 2019 đạt 77.851,05 tỷ đồng tăng 13,55% so cùng kỳ, trong đó thành phần kinh tế tư nhân ước đạt 45.783,98 tỷ đồng tăng 13,85% so cùng kỳ, thành phần kinh tế cá thể ước đạt 22.909,72 tỷ đồng tăng 14,65% so cùng kỳ, thành phần kinh tế Nhà nước ước đạt 7.645,3 tỷ đồng tăng 9,35% so cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế thì ngành Thương nghiệp chiếm 81,97% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 7 tháng năm 2019, ước đạt 63.818,05 tỷ đồng tăng 13,73% so cùng kỳ; Khách sạn nhà hàng ước đạt 6.040,28 tỷ đồng tăng 14,89% so cùng kỳ. Du lịch lữ hành ước đạt 154,21 tỷ đồng tăng 10,86% so cùng kỳ. Dịch vụ ước đạt 7.838,51 tỷ đồng tăng 11,15% so với cùng kỳ.

V. GIAO THÔNG VẬN TẢI

- Vận tải hàng hoá: Tháng 7/2019, ước vận chuyển 855,33 ngàn tấn hàng hoá tăng 2,94% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 134,25 triệu T.Km đạt 102,39% so cùng kỳ. Ước 7 tháng năm 2019 vận chuyển 7.565,86 ngàn tấn hàng hóa tăng 2,37% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.305,68 triệu T.Km đạt 1,66% so cùng kỳ.

Chia ra: Đường bộ tháng 7/2019, ước vận chuyển đạt 394,52 ngàn tấn tăng 2,87% so cùng kỳ; luân chuyển 56,15 triệu T.Km đạt 102,07% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển đạt 439,14 ngàn tấn tăng 3,0% so cùng kỳ; luân chuyển 56,43 triệu T.Km đạt 102,5% so cùng kỳ. Đường biển ước vận chuyển đạt 21,67 ngàn tấn tăng 3,09% so cùng kỳ; luân chuyển 21,67 triệu T.Km đạt 102,96% so cùng kỳ.

- Vận tải hành khách: Tháng 7/2019, ước vận chuyển 5.055,77 ngàn lượt hành khách tăng 2,97% so cùng kỳ; luân chuyển 84,91 triệu lượt HK.Km đạt 102,39% so cùng kỳ. Ước 7 tháng năm 2019 vận chuyển 23.520,03 ngàn lượt HK tăng 2,56% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 352,04 triệu HK.Km đạt 101,83% so cùng kỳ.

Chia ra: Đường bộ tháng 7/2019, ước vận chuyển 3.522,86 ngàn lượt HK tăng 2,81% so cùng kỳ; luân chuyển 82,95 triệu HK.Km đạt 102,37% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển 1.532,91 ngàn lượt HK tăng 3,37% so cùng kỳ; luân chuyển 1,96 triệu HK.Km đạt 102,88% so cùng kỳ.

- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Tháng 7/2019 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 282,34 tỷ đồng, tăng 12,98% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 74,34 tỷ đồng tăng 14,27%; vận tải hàng hóa thực hiện 125,44 tỷ đồng, tăng 13,04%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 42,9 tỷ đồng, tăng 11,74% so cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 7 tháng năm 2019 thực hiện 2.164,58 tỷ đồng, tăng 10,32% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 539,45 tỷ đồng tăng 11,85%; vận tải hàng hóa thực hiện 1.132,68 tỷ đồng, tăng 9,76%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 195,63 tỷ đồng, tăng 10,45% so cùng kỳ.

VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG

1. Tài chính ngân sách

* Thu ngân sách: Thực hiện đến 20 ngày tháng 7/2019, tổng thu NSNN 7.792,55 tỷ đồng đạt 54,25% dự toán, trong đó thu nội địa là 5.980,01 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 1.409,57 tỷ đồng đạt 66,71% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 887,53 tỷ đồng đạt 55,3% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 618,89 tỷ đồng đạt 50,32% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 538,97 tỷ đồng đạt 61,25% so dự toán. Tính đến 20/7/2019 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 336,5 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,32% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đạt 33,65% so dự toán.

* Chi ngân sách: Ước đến 20 ngày tháng 7/2019 ngân sách đã chi 5.764,84 tỷ đồng chiếm 50,1% dự toán, bao gồm hoạt động chi đầu tư phát triển 2.771,75 tỷ đồng, chi thường xuyên 2.945,97 tỷ đồng.

2. Tín dụng ngân hàng: Vốn huy động đến cuối tháng 7 năm 2019 ước đạt 76.800 tỷ đồng, tăng 0,94% so với đầu tháng, tăng 5,93% so với tháng 12/2018.

Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 7 năm 2019 ước đạt 85.100 tỷ đồng, tăng 0,93% so với đầu tháng, tăng 9,63% so với tháng 12/2018, trong đó dư nợ cho vay VNĐ đạt 80.400 tỷ đồng, tăng 0,84%, chiếm 94,48%, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 2,51% so với đầu tháng, chiếm 5,52% trong tổng dư nợ cho vay; Phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 46.800 tỷ đồng, tăng 0,93%, chiếm 54,99%, dư nợ cho vay trung dài hạn 38.300 tỷ đồng, tăng 0,95% so đầu tháng, chiếm 45,01% tổng dư nợ cho vay.

Nợ xấu đến cuối tháng 7 năm 2019 ước là 1.500 tỷ đồng, chiếm 1,76% trong tổng dư nợ cho vay.

Lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất trên địa bàn phổ biến như sau:

- Lãi suất huy động VNĐ: Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2 - 1,0%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng mức 5,0% - 5,5%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 5,5% - 6,8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,8% - 7,4%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn. 

- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 6,5%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 7,0% - 8,0%/năm đối với ngắn hạn, 8,0% - 11%/năm đối với trung, dài hạn.

- Lãi suất USD: Lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 4,0% - 5,0%/năm, trung dài hạn 5,0% - 6,5%/năm.

VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI 

1. Văn hóa – Thể thao

Tuyên truyền cổ động và tổ chức các hoạt động VHTTDL kỷ niệm ngày lễ, sự kiện của đất nước và thành phố trong tháng. Đặc biệt là tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình Đền thờ các Vua Hùng tại thành phố Cần Thơ; Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Ngày hội Du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” lần thứ IV năm 2019, hưởng ứng Ngày Du lịch Việt Nam (09/7).

Nghệ thuật:

Trung tâm Văn hóa thành phố: Tham gia Hội thi Tìm hiểu về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam năm 2019, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành lân cận, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức tại thành phố Cần Thơ, từ ngày 19-21/6/2019, kết quả đạt: Giải Ba toàn đoàn; Giải Ba Đội tuyên truyền lưu động; Giải Khuyến khích xe tuyên truyền lưu động. Phối hợp Thành Đoàn Cần Thơ tổ chức Ngày hội Hoa phượng đỏ thành phố Cần Thơ lần thứ 27, từ ngày 22-23/6/2019.

Nhà hát Tây Đô: Tổ chức biểu diễn 08 suất, thu hút 3.500 lượt người xem.

Tổ chức 15 chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ tại bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng và Sân chơi tài tử Cầu đi bộ Ninh Kiều, thu hút từ 300 - 500 lượt người xem/chương trình.

Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổ chức phục vụ khách tham quan thu hút 47.388 lượt khách (trong đó: Bảo tàng thành phố và Trạm Vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại Cần Thơ thu hút 1.093 lượt khách; các di tích, công trình tưởng niệm trọng điểm thu hút 46.295 lượt khách). Thực hiện công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2018 – 2019. Thực hiện các dự án phi vật thể: Lễ cúng bình an của người Hoa tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ; Hát ru ở thành phố Cần Thơ.

Công tác thư viện: Hệ thống thư viện toàn thành phố phục vụ: 247.000 lượt người đọc và 494.000 lượt sách báo. Bổ sung sách Thư viện Thành phố 4.515 bản sách. Tổ chức 03 cuộc triển lãm sách phục vụ các sự kiện của thành phố, với tổng cộng 2.600 tài liệu, thu hút 4.200 lượt người xem. Trưng bày 100 quyển sách về hôn nhân gia đình, trẻ em, bình đẳng giới tại Thư viện thành phố.

Thể dục, thể thao quần chúng

Tổ chức Giải Thể thao trò chơi dân gian TP. Cần Thơ, “Chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6” năm 2019, ngày 27/6/2019, tại Đền thờ Châu Văn Liêm, huyện Thới Lai, thu hút 500 lượt người xem.

Tổ chức Giải Vô địch đua Vỏ Composite ĐBSCL mở rộng lần thứ V năm 2019, ngày 07/7/2019, tại Bờ kè Bến Ninh Kiều, phường Tân An, quận Ninh Kiều, có 112 VĐV của 16 đoàn thuộc 08 tỉnh, thành của ĐBSCL (Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ), thu hút 6.000 lượt người xem.

Tổ chức Giải Vô địch Karate miền Nam năm 2019, từ ngày 06/7 - 08/7/2019, Tại Trường THCS Lê Bình, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, có 260 VĐV của 18 đội đến từ các tỉnh, thành, ngành khu vực phía Nam, thu hút 1.500 lượt người xem.

Tổ chức Giải Vô địch môn Điền kinh và môn Bơi người khuyết tật toàn quốc năm 2019, từ ngày 05/7 - 14/7/2019, địa điểm: Môn Điền kinh - tại sân vận động Cần Thơ, Môn Bơi - tại CLB Bơi Ánh Viên, Trung tâm TDTT QP4 – QK9, có 476 VĐV, của 24 đoàn đến từ các tỉnh, thành ngành tham dự thu hút 10.000 lượt người xem.

Liên đoàn Vovinam – Việt võ đạo TP. Cần Thơ tổ chức thi trung đẳng Vovinam lần thứ I năm 2019, ngày 30/6/2019, có 51 võ sinh dự thi.

Thể thao thành tích cao

Tổ chức Giải Vô địch trẻ Boxing quốc gia năm 2019, từ ngày 15/7 - 25/7/2019, tại Nhà thi đấu Trường Đại học Cần Thơ.

Từ đầu năm đến nay, cử 97 lượt huấn luyện viên, 552 lượt vận động viên (242 nữ) tham dự 66 giải thể thao quốc gia và quốc tế. Kết quả  nổi bật nhất là tại Giải vô địch Karate Đông Nam Á tại Thái Lan, đạt 07 HC (04 HCV-01 HCB-02 HCĐ); 05 HCB tại Giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á lần thứ 14 năm 2019 tại Philippines; 02 HCV, 02 HCB tại Giải vô địch cờ vua nam, nữ các nhóm tuổi trẻ Đông Nam Á, từ ngày 09 – 19/6/2019 tại Myanmar; 01 HCB tại Giải Canoeing vô địch và vô địch trẻ Đông Nam Á, từ ngày 18/6 - 24/6/2019, tại Thái Lan. Tính đến nay, Đoàn Cần Thơ đã đạt tổng số 230 huy chương các loại (74 HCV – 64 HCB – 92 HCĐ), đạt 60,53% kế hoạch năm (chỉ tiêu năm 2019 đạt 380 HC các loại).

2. Giáo dục

Công tác bồi dưỡng chuyên môn: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cấp học, bậc học: Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho cán bộ cốt cán các bậc học; Bồi dưỡng thường xuyên trong hè.

Công tác tuyển sinh đầu cấp: Các trường tiếp tục thực hiện tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2019 - 2020 và căn cứ vào nguyên tắc tập trung mọi nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trên địa bàn để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi vào các lớp mầm non, mẫu giáo.

Công tác khác:

Các cơ sở giáo dục tổ chức trồng cây xanh; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; tổ chức các lớp dạy bơi và các hoạt động hè cho học sinh.

Kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố; kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác hè; công tác sửa chữa trường lớp chuẩn bị cho năm học mới.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Việc tổ chức chấm thi đảm bảo đúng quy chế; thời gian công bố kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 ngày 14 tháng 7 năm 2019.

Tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 đạt 95,51%. Trong đó, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt 97,77%; hệ GDTX đạt 62,65%. Có 2 trường tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 100% là THPT chuyên Lý Tự Trọng và THPT Lưu Hữu Phước. Ngoài ra khối các trường THPT ngoài công lập có 2 trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp là THPT Thái Bình Dương và Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Hòa Bình. Ở hệ GDTX, Trung tâm GDTX huyện Phong Điền có tỷ lệ thí sinh đỗ cao nhất (90,48%).

3. Về Y tế - khám chữa bệnh

Tình hình dịch bệnh ổn định, không có vụ dịch nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên trong tháng một số bệnh như: Sốt xuất huyết ghi nhận 113 trường hợp mắc, tăng 2,72% so với tháng trước (110 trường hợp); Lũy tích từ đầu năm đến nay 516 trường hợp mắc, tăng 162 trường hợp so cùng kỳ (354 trường hợp), không có tử vong. Tay chân miệng ghi nhận 69 trường hợp mắc, giảm 11,53% so với tháng trước (78 trường hợp); Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 421 trường hợp mắc, tăng 181 trường hợp so cùng kỳ (240 trường hợp), không có tử vong. Sởi và sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 47 trường hợp mắc, giảm 44,71% so với tháng trước (85 trường hợp); Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 343 trường hợp mắc, không có tử vong. Thủy đậu ghi nhận 2 trường hợp mắc, giảm 1 trường hợp so với tháng trước; Lũy tích từ đầu năm đến nay 22 trường hợp mắc, giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ 2018. Tiêu chảy 610 trường hợp, tăng 25,77% so với tháng trước.

Hoạt động Y tế dự phòng: Tăng cường các hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp bệnh nhân về từ vùng có dịch, tổ chức điều tra, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, lưu ý các bệnh cúm gia cầm, ho gà, sởi, rubella, tiêu chảy cấp, liên cầu lợn, tay chân miệng, sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Đội cơ động phòng chống dịch bệnh phải được chuẩn bị sẵn sàng 24/24h với đầy đủ trang thiết bị, hoá chất, phương tiện để kịp thời có mặt xử lý dịch.

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, vệ sinh môi trường; chỉ đạo y tế trường học phát hiện sớm ca bệnh và báo cáo cho các trạm y tế để phối hợp xử lý dịch, bệnh kịp thời. Lắp đặt các pano tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết tại các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn thành phố.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Lũy tích số nhiễm HIV phát hiện được 6.283 trường hợp; Trong đó, tử vong 2.483 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 3.800 trường hợp. Duy trì điều trị ARV cho 3.057 trường hợp. Duy trì điều trị Methadone cho 378 bệnh nhân, lũy tích đến nay đạt 1.239 bệnh nhân.

Tổ chức 02 lớp tập huấn: lớp “Tư vấn xét nghiệm HIV” cho nhân viên y tế với 40 học viên tham dự; lớp “tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng” cho cán bộ nhóm tự lực cộng đồng và cộng tác viên y tế.

Công tác khám chữa bệnh: Các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt quy chế chuyên môn, đảm bảo các quy trình kỹ thuật trong khám chữa bệnh đồng thời tăng cường công tác khám chữa bệnh và quản lý quỹ BHYT.

Thống nhất chủ trương Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ thành lập Đơn vị đột quỵ với mục đích đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân về lĩnh vực đột quỵ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Thông tư 47/2016/TTBYT.

Phục vụ y tế: Giải vô địch môn Điền kinh và môn Bơi người khuyết tật toàn quốc lần thứ XX năm 2019; diễu hành tàu du lịch, chào mừng Ngày Du lịch Việt Nam; Giải đua Võ Composite lần V - 2019.

4. Chính sách lao động - xã hội

Trong tháng, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 7.608 lao động. Lũy kế đến tháng 7/2019 đã giải quyết việc làm cho 51.190 lao động, đạt 101,87% kế hoạch đề ra.       

Đến nay trên địa bàn thành phố có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Các cơ sở GDNN tuyển mới và đào tạo nghề cho 5.632 người. Lũy kế tuyển mới và đào tạo nghề cho 26.109 người, đạt 54,4% so với kế hoạch năm 2019.

Cấp giấy phép lao động cho 05 người lao động nước ngoài; Miễn cấp giấy phép lao động cho 04 người lao động nước ngoài. Tiếp nhận và thẩm định cấp Giấy xác nhận khai báo sử dụng máy thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại 01 doanh nghiệp với 02 thiết bị. Tiếp nhận Nội quy lao động của 02 đơn vị.

Đã tổ chức khai giảng 96 lớp đào tạo nghề cho LĐNT năm 2019 cho 3.350 học viên. Thực hiện kiểm tra công tác đào tạo nghề cho LĐNT 6 tháng đầu năm tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố: Tư vấn nghề nghiệp, việc làm, quan hệ lao động cho 10.388 lượt người, lũy kế từ đầu năm 2019 là 56.465 lượt người, đạt 49,10% kế hoạch năm; kết nối việc làm trong nước cho 1.510 lượt người, lũy kế từ đầu năm 2019 là 5.988 lượt người, đạt 54,44% kế hoạch năm. Đào tạo nghề và kỹ năng lao động cho 615 lượt người, lũy kế từ đầu năm 2019 là 3.956 lượt người, đạt 61,81% kế hoạch năm. Cung ứng lao động và đăng ký hợp đồng lao động cá nhân đi làm việc ở nước ngoài 34 người, lũy kế từ đầu năm 2019 là 119 người, đạt 42,50% kế hoạch năm.

Chính sách người có công với cách mạng: Toàn thành phố hiện có 6.562 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng (49 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và được các đơn vị nhận phụng dưỡng). Tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết 108 hồ sơ chế độ chính sách.

Công tác xây dựng nhà tình nghĩa: Chuẩn bị bàn giao và nghiệm thu 26 căn nhà tình nghĩa từ nguồn hỗ trợ kinh phí của Ngân hàng SHB. Tiếp tục khởi công và bàn giao 26 căn nhà tình nghĩa từ nguồn hỗ trợ kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ (đã bàn giao 15/26 căn). Phối hộp Công ty Điện lực Cần Thơ đã đi khảo sát thực tế 10 căn nhà tình nghĩa: 04 căn huyện Vĩnh Thạnh (huyện nông thôn mới), 02 căn huyện Thới Lai và 02 căn huyện Cờ Đỏ (xã nông thôn mới). Còn lại 02 căn đang chờ các quận, huyện rà soát. Kết quả khảo sát đã chọn 5/10 căn nhà gia đình chính sách đang gặp khó khăn về nhà ở. Tổ chức đưa Đoàn Người có công với cách mạng tham quan Di tích lịch sử Côn Đảo.

Công tác bảo trợ xã hội - Trẻ em và bình đẳng giới

Trợ cấp thường xuyên cho 39.726 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng, tổng kinh phí 15,019 tỷ đồng; Mua bảo hiểm y tế cho 30.982 đối tượng tổng số tiền 1,938 tỷ đồng; Chi trả mai táng phí cho 243 đối tượng bảo trợ xã hội.

Trung tâm Bảo trợ xã hội đang quản lý 581 đối tượng. Hướng dẫn, tư vấn cho thân nhân, gia đình có nhu cầu bảo lãnh người thân về gia đình tiếp tục quản lý và điều trị trên 14 lượt người. Kịp thời can thiệp 31 vụ đối tượng đánh nhau, phối hợp với y tế ngăn chặn 05 đối tượng lên cơn kích động, giáo dục 02 trường hợp đối tượng vi phạm nội quy.

Đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm và tổ chức nấu ăn hàng ngày cho đối tượng đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Duy trì vệ sinh cá nhân hằng ngày 34.800 lượt đối tượng. Đặc biệt tăng khẩu phần ăn cho 43 đối tượng lão, nhi, đối tượng yếu.

Trung tâm Công tác xã hội đang nuôi dưỡng trực tiếp 86 đối tượng (giảm 03 đối tượng so tháng trước). Lý do 02 tử vong; 01 lang thang bỏ trốn. Tiếp nhận 10 cuộc gọi đến tổng đài tư vấn miễn phí 18008065 liên quan đến các vấn đề về dịch vụ trợ giúp xã hội, tư vấn trợ giúp gia đình có đối tượng tâm thần. Phối hợp với Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ Tuổi Hồng triển khai sinh hoạt định kỳ có 268 hội viên tham gia. Phối hợp bác sỹ bệnh viện tâm thần khám và điều trị cho 21 đối tượng tâm thần. Đưa 20 trẻ đi chích ngừa theo lịch tiêm chủng và khám bệnh, điều trị tại các bệnh viện. Duy trì tập vật lý trị liệu cho 28 đối tượng. Khám và điều trị tại chỗ cho 570 lượt đối tượng.

5. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 16/6/2019 đến 15/7/2019) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 06 người, bị thương 02 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ giảm 07 vụ, số người chết giảm 08 người, số người bị thương giảm 03 người. Trong 7 tháng năm 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 59 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 63 người, bị thương 17 người. So với cùng kỳ năm 2018, số người chết tăng 02 người, số người bị thương giảm 01 người.     

Theo CỤC THỐNG KÊ TP. CẦN THƠ

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video