Tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch đường sông đồng bằng sông Cửu Long

06/08/2019

Theo QĐND - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiềm năng lớn về du lịch đường sông (DLĐS), đặc biệt, “không gian văn hóa sông nước” với tour du lịch bằng ghe, xuồng trên sông, rạch khám phá miệt vườn cây ăn trái, trải nghiệm cuộc sống của cư dân dọc bờ sông, thưởng thức đờn ca tài tử…

Thời gian qua, nhiều địa phương trong vùng đã tận dụng thế mạnh sông nước, nhà vườn để hình thành nên các tuyến DLĐS hấp dẫn. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này phát triển bền vững, các địa phương cần xây dựng chiến lược căn cơ, có những giải pháp hữu hiệu.

Thế mạnh du lịch đường sông

Khu vực ĐBSCL có gần 28.000km đường thủy với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt kết hợp với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nhất là cảnh quan sông nước. Năm 2015, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xác định sản phẩm đặc thù ĐBSCL là “Thế giới sông nước Mekong” (Mekong Water World).  Trước đó, “Thế giới sông nước Mekong” từng được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn là điểm đến giá trị tốp 10 trong năm 2012. Năm 2015, ĐBSCL tiếp tục được Tạp chí Rough Guides của Anh bình chọn nằm trong tốp 10 điểm đến “giá trị nhất” năm 2015. Rough Guides ca ngợi ĐBSCL là vùng đất trù phú, màu mỡ, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, đầy sắc màu cuộc sống. Đến đây, du khách tha hồ khám phá phong cảnh và cuộc sống người dân miền sông nước. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, một số địa phương trong vùng đã đẩy mạnh khai thác loại hình DLĐS, điển hình như TP Cần Thơ. Theo thống kê, trong tổng số khách đến Cần Thơ mỗi năm, có tới 2/3 chọn tour du lịch trên sông. Điểm nhấn của tour là tham quan chợ nổi Cái Răng, trải nghiệm DLĐS gắn với tham quan vườn cây ăn trái tại huyện Phong Điền hoặc tìm hiểu các di tích văn hóa-lịch sử tại quận Bình Thủy; ngắm cảnh sông nước về đêm, thưởng thức các món ăn và nghe đờn ca tài tử trên du thuyền ở Ninh Kiều… Tỷ phú người Anh Joe Lewis-người đã đến Cần Thơ hai lần, nhận định: “Cần Thơ có những lợi thế về nét mộc mạc, tự nhiên. Sản phẩm DLĐS tuy chưa có nhiều gọt giũa nhưng gần gũi, sống động với những con người, nếp sinh hoạt rất thật. Tất cả tạo cho tôi một ấn tượng rất tuyệt vời”.

Chợ nổi Cái Răng, một trong những điểm du lịch đường sông thu hút du khách của TP Cần Thơ. Ảnh: HỒNG HIẾU

Cùng với TP Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp cũng đang đẩy mạnh phát triển loại hình DLĐS. Hiện bến tàu du lịch ở sông Sa Đéc (phường 1, TP Sa Đéc) đã xây dựng xong, khu vực nhà hàng ăn uống phục vụ khách cập bến rộng 2.000m2 xung quanh bến tàu cũng đã đưa vào hoạt động. Bến tàu này là nơi cập bến, neo đậu các tàu khách du lịch, tách biệt với các bến tàu thương mại khác để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đồng thời phát triển tour DLĐS ở Sa Đéc. Khi tàu cập bến, du khách sẽ được đi tham quan các điểm du lịch, như: Làng hoa Sa Đéc, chùa Kiến An Cung, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê... bằng xe điện. Nhà hàng ở bến tàu có sức chứa 700 khách, phục vụ ăn uống và bán các đặc sản Đồng Tháp, như: Nem Lai Vung, quýt hồng, bánh phồng tôm Sa Giang...

Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, dù mới khai thác loại hình du lịch này nhưng phần lớn khách đến Đồng Tháp, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích đi tham quan các điểm du lịch thông qua các tuyến đường sông. Đây là một tín hiệu đáng mừng”.

Xây dựng các tour đa dạng, có chiều sâu

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng các địa phương vùng ĐBSCL vẫn chưa khai thác hiệu quả loại hình du lịch này. Điển hình, tại Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh chỉ phát triển được một điểm trong hải trình từ TP Hồ Chí Minh theo sông Tiền lên Campuchia. Khách từ các tàu du lịch chỉ lên bờ thăm thú cảnh quan mà chưa có kế hoạch lưu trú tại đây. Do đó, lượng khách đến có đông nhưng doanh thu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Còn tại một số địa phương, như: Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre... chỉ mới khai thác được tuyến du lịch nội tỉnh mà chưa có sự kết nối với các tỉnh, thành phố khác nhau.

Một trong những “điểm nghẽn” khiến DLĐS ở ĐBSCL chưa phát triển mạnh là do các sản phẩm du lịch triển khai thời gian qua còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa thỏa mãn nhiều đối tượng du khách khác nhau. Cùng với đó, tình trạng “chặt chém”, phần nào khiến các nhà tổ chức du lịch không muốn đưa khách đến lần thứ hai. Điển hình như Tiền Giang, trước đây, tỉnh thu hút du khách do có nhiều vườn cây, sông ngòi, chợ nổi... Thế nhưng sau đó, nhiều đơn vị du lịch không dám đưa khách đến đây vì giá cả dịch vụ đưa rước bằng xuồng, ghe và các mặt hàng trái cây tăng 3-4 lần... Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL: DLĐS vùng ĐBSCL chưa thể phát triển mạnh là do thiếu quy hoạch cụ thể về bến bãi, cầu tàu; môi trường ô nhiễm và hạn chế về thiết kế chương trình, quảng bá sản phẩm. Ông Huê cho rằng: “Du lịch sông nước ở ĐBSCL vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, về lâu dài du khách sẽ cảm thấy nhàm chán bởi đến địa phương nào cũng thấy na ná nhau. Do đó, các địa phương cần có sản phẩm khác biệt, tận dụng tối đa các loại đặc sản riêng...”.

Đoàn tàu diễu hành tại Lễ hội Chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ. Ảnh: CISED

Thực tế, dù có lợi thế nhưng hiện tại các phương tiện vận chuyển khách du lịch vùng ĐBSCL chủ yếu là đò du lịch chở từ 10 đến 20 khách, tốc độ chậm, còn nhiều tiếng ồn, chưa bảo đảm tiện nghi. Cảnh quan hai bờ sông tuy xanh, mát, đẹp mắt nhưng còn đơn điệu, ngành du lịch chủ yếu khai thác cảnh quan tự nhiên, gây ra sự nhàm chán nếu du lịch trong khoảng thời gian dài. Hai bên bờ sông không có điểm dừng để du khách thư giãn, mua sắm, sử dụng các dịch vụ trước khi tiếp tục hành trình.

Để phát triển loại hình DLĐS, theo bà Lê Đình Mai Thy, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ: Cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các loại hình du lịch ven sông và trên sông, như: Đầu tư điểm dừng ven sông, phương tiện vận chuyển du khách, cầu cảng neo đậu tàu du lịch… nhằm đa dạng hóa sản phẩm DLĐS. “Các địa phương cần có chính sách mở rộng tuyến điểm du lịch với vùng phụ cận, thực hiện các tour liên tuyến, kết nối với các tỉnh tổ chức du lịch dọc sông Mê Công sang Campuchia, thích hợp cho những tour dài ngày của du khách nước ngoài”, bà Thy đề xuất.

Mô hình DLĐS tuy có những thách thức nhưng lại đầy tiềm năng. Để DLĐS vùng ĐBSCL phát triển, trước mắt cần xây dựng các bến tàu du lịch, sản phẩm du lịch và dịch vụ phục vụ tuyến DLĐS, quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình, nạo vét lại một số đoạn kênh và chống xả rác...

Theo THÚY AN (Báo Quân đội Nhân dân)

(https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiem-nang-va-giai-phap-587674)

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video