Thảo luận về hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm kiểm định chất lượng và giải pháp cải thiện hệ thống kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Sáng ngày 22/01/2021, Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ chủ trì tổ chức thảo luận về hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm kiểm định chất lượng và giải pháp cải thiện hệ thống thực phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Tại buổi Thảo luận nằm trong khuôn khổ dự án “Kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp trong hệ thống thực phẩm thành phố Cần Thơ nâng cao hiệu quả sản xuất và cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng giá trị gia tăng cao trong điều kiện ảnh hưởng bởi Covid-19”, thuộc Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Với sự tham gia chủ trì của TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ, ThS. Trần Huỳnh Anh, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và các thành viên của Dự án. Về phía các doanh nghiệp kiểm nghiệm, với sự tham gia Ông: Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm và Thực phẩm, Sở Y tế thành phố Cần Thơ; Ông Trần Văn Nghi, Phó Giám đốc Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 6 và Ông Nguyễn Đình Truyên, Phó Trưởng Phòng Kiểm nghiệm, Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 6; Ông: Trần Thế Như Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Nho Nho, đại diện Trung tâm kiểm nghiệm MekongLAB; Ông Nguyễn Hữu Nghị, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Kiểm định và Đo lường chất lượng Cần Thơ; Ông Huỳnh Trung Hậu, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Cần Thơ và các chuyên gia.
Đây là hoạt động diễn ra trong tháng hoạt động khảo sát thực tế tại doanh nghiệp trong hệ thống thực phẩm và chuỗi cung ứng rau quả trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Về nội dung, các doanh nghiệp đã chia sẻ về các nội dung: (1) đặc điểm sản phẩm được kiểm nghiệm, loại thực phẩm và điểm mạnh, điểm yếu trong thời gian qua; (2) những sự khác biệt giữa kiểm định hàng hóa thực phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; (3) những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp kiểm nghiệm, về công nghệ, nguyên liệu, con người và cơ chế, đặc biệt trong bối cảnh các tác động từ Covid-19; (4) đề xuất của doanh nghiệp nhằm phát triển hệ thống thực phẩm theo hướng cải thiện giá trị gia tăng và những điểm có thể cải cách về thể chế và thủ tục hành chính.
Ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp, nhận diện khá nhiều các tiềm lực cũng như những thách thức trong hoạt động của lĩnh vực kiểm nghiệm nói riêng, hệ thống thực phẩm nói chung của thành phố. Tại đây, doanh nghiệp cũng đã gợi ý và kiến nghị nhiều giải pháp. Kết quả của buổi thảo luận đóng góp nhiều cơ sở quan trọng cho dự án. TS. Huỳnh Văn Tùng đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp trong lĩnh vực kiểm nghiệm, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy quá trình nâng cấp chuỗi thực phẩm và mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn. Ông cũng cam kết rằng sẽ ghi nhận và chuyển tải toàn bộ các nội dung thảo luận và các kiến nghị của doanh nghiệp vào báo cáo của dự án và các báo cáo tham mưu của Viện; đồng thời, dự án sẽ có một chuyến đi thực tế đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực kiểm định để hiểu rõ hơn về quy trình vận hành và hoạt động của doanh nghiệp, làm cơ sở các đề xuất.
Tin, Ảnh: Tố Loan CISED
Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.