Thành phố Cần Thơ qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị
TCCS - Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005, của Bộ Chính trị (khóa IX), “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết 45), kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh mẽ; diện mạo một đô thị trung tâm, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng hiện rõ. Những thành tựu và kinh nghiệm qua 15 năm xây dựng, phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 45 đã tạo nền tảng vững chắc cho Cần Thơ định hướng phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diện mạo thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long
Về mục tiêu phát triển đến năm 2020, Nghị quyết 45 xác định Cần Thơ phải phát triển để trở thành: “thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”.
Một góc thành phố Cần Thơ_Ảnh: zingnews.vn
Quán triệt mục tiêu đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 45, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án để cụ thể hóa, triển khai với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, xác định những nhiệm vụ cụ thể, những khâu đột phá, bước đi cho từng năm trong giai đoạn 2005 - 2020 và những năm tiếp theo. Riêng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành 11 nghị quyết, trong đó có 9 nghị quyết chuyên đề, tiếp tục chỉ đạo tập trung tạo thêm động lực để đạt các mục tiêu mà Nghị quyết 45 đề ra. Với nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thành phố trong suốt 15 năm qua, đến nay, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về phát triển thành phố Cần Thơ đề ra trong Nghị quyết 45, Kết luận số 17-KL/TW, ngày 21-3-2012, của Bộ Chính trị và Kết luận số 07- KL/TW, ngày 28-9-2016, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW” đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể là:
Kinh tế thành phố tăng trưởng khá, chất lượng và quy mô nền kinh tế được nâng lên; là địa phương duy nhất trong vùng ĐBSCL có điều tiết ngân sách về Trung ương; từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng của vùng. Giai đoạn 2006 - 2019, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt mức bình quân 7,27%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; hằng năm đóng góp khoảng 12% GRDP của vùng ĐBSCL; tổng sản phẩm bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 88,3 triệu đồng, gấp 7,1 lần so với năm 2005.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp và dịch vụ, nhất là về thương mại và du lịch. Ngành nông nghiệp phát triển liên tục và ổn định, đóng vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố hoàn thành trước thời hạn chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng các nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2019 là 13.942 tỷ đồng và đang xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu.
Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 52.086 tỷ đồng, gấp 7,1 lần so với năm 2005. Trong đó có 10 chương trình, dự án lớn từ nguồn vốn ODA khoảng 14.746 tỷ đồng giúp thành phố đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên mà Nghị quyết 45 đã xác định là: phát triển đô thị, giao thông vận tải, y tế, cấp nước, vệ sinh môi trường.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị; trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương với điểm nhấn về cảnh quan và kiến trúc là “sáng, xanh, sạch, đẹp”; tỷ lệ đô thị hóa năm 2019 đạt khoảng 70%, cao hơn gần 2 lần so với mức trung bình cả nước. Cần Thơ là một trong sáu đô thị trọng điểm thực hiện đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông, không ngừng được cải thiện, kết nối với mạng lưới đô thị vùng, giúp Cần Thơ làm tốt vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, liên vận quốc tế.
Công tác khai thác, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai tích cực; Cần Thơ trở thành thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu (100RC); được vinh danh và nhận “Chứng chỉ ASEAN thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch”. Song song với việc chú trọng khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố cũng chủ động, tích cực tham gia các thể chế hợp tác quốc tế về môi trường hướng đến phát triển bền vững.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội chợ du lịch quốc tế Cần Thơ 2019_Ảnh: sggp.org.vn
Hợp tác quốc tế và liên kết vùng được thúc đẩy với một số kết quả tích cực ban đầu. Bên cạnh việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thành phố tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố khác trong và ngoài vùng ĐBSCL. Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đạt được một số kết quả khả quan bước đầu như: Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chung cho vùng; rà soát, xây dựng quy hoạch cấp vùng, quy hoạch thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; xác định danh mục dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng của vùng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực; từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình người có công với nước, các đối tượng bảo trợ xã hội. Trung bình hằng năm, thành phố giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 27,95% năm 2006 lên 58% năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 0,66%, thấp nhất so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc và tôn giáo, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn.
Vai trò hạt nhân và tác động lan tỏa chưa mạnh mẽ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 45 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập:
Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; Cần Thơ chưa thật sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp, chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 để tạo ra những tác động tích cực, có sức lan tỏa đối với sự phát triển của các ngành khác của thành phố cũng như của vùng; chưa thật sự trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng ĐBSCL.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao, tạo điểm nghẽn trong sự phát triển của thành phố và vùng ĐBSCL; Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân liên kết vùng, chưa tạo ra sự hỗ trợ để cùng nhau khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, chưa bảo đảm tính đồng bộ, bền vững, hiện đại; chưa thật sự là đô thị hạt nhân của vùng.
Phát triển văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập; chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các địa phương; chất lượng đào tạo nghề, đào tạo đại học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và của vùng, nhất là trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ để giải quyết các yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Nguy cơ tái nghèo còn cao, chất lượng giải quyết việc làm thấp, thiếu tính ổn định và bền vững,...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyên môn hạn chế, chưa đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ từng lúc, từng nơi chưa thật hiệu quả.
Một số bài học kinh nghiệm quý
Thứ nhất, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền phải linh hoạt, chủ động trong việc lựa chọn, xác định một số lĩnh vực làm khâu đột phá. Song song đó, phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng và trong nước để kịp thời kiến nghị, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Thứ hai, trong triển khai thực hiện cần lựa chọn và xác định đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn, chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả; bám sát thực tiễn để xây dựng các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực phù hợp và có giải pháp huy động tốt các nguồn lực thực hiện.
Thứ ba, phát huy cao độ nội lực, gắn việc khai thác các tiềm năng, lợi thế với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhiều nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế, tạo ra nguồn lực tổng hợp để phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Thứ tư, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng lực lượng nòng cốt làm tốt công tác dân vận; các cấp, các ngành phải tạo điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội trong việc xây dựng chính sách, trong thực hiện các công trình trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thật sự dân chủ, cầu thị.
Hướng đến một thành phố xanh, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc miền Tây Nam bộ
Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thành phố Cần Thơ cũng đối diện với không ít thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ thành phố xác định quan điểm phát triển là: Cần Thơ chỉ có thể phát triển nhanh, bền vững và đột phá trong bối cảnh mới với tư cách là thành phố trung tâm đặc biệt của vùng ĐBSCL, có vai trò dẫn dắt và có tác động lan tỏa, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong vùng. Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ xanh, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc miền Tây Nam bộ là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về mặt kinh tế- xã hội mà cả về chính trị, quốc phòng và an ninh. Đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng Cần Thơ mà còn là của cả vùng ĐBSCL và cả nước.
Trên cơ sở đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện đồng bộ:
Một là, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch các ngành kinh tế và quy hoạch đô thị trên cơ sở phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế không chỉ của thành phố mà còn của cả vùng ĐBSCL. Quy hoạch đô thị Cần Thơ theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh, hiện đại; là đô thị hạt nhân của vùng, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng ĐBSCL và đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện khu công nghệ cao, công nghệ thông tin, hạ tầng phát triển các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; xây dựng trung tâm lô-gi-stíc hàng không, trung tâm lô-gi-stíc hạng II và trung tâm phát triển thủy sản vùng tại Cần Thơ.
Ba là, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn có lợi thế; tập trung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu, tạo động lực phát triển cho thành phố và có tác động lan tỏa ra toàn vùng, nhất là các công trình phục vụ dân sinh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và vùng ĐBSCL; khẳng định vị thế là trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của vùng. Đầu tư mạnh và tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách đất đai để phát triển các trường đại học theo hướng đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và vùng ĐBSCL.
Năm là, gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, du lịch và thể thao của vùng ĐBSCL; thực hiện tốt công tác tôn giáo và dân tộc; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Sáu là, tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trong nước theo nguyên tắc “tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi”; hợp tác với các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, vừa phát huy vai trò trung tâm và trở thành hạt nhân liên kết của vùng. Xây dựng trung tâm thu thập và xử lý thông tin hiện đại, ứng dụng công nghệ mới cho vùng ĐBSCL, phục vụ mục tiêu phát triển và quản lý vùng.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, thành phố kiến nghị, đề xuất với Trung ương một số vấn đề chung, nhằm tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL trong thời gian tới:
1- Thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu của thành phố Cần Thơ và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng, tăng cường kết nối và liên kết vùng.
2- Sớm phê duyệt ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm căn cứ thống nhất cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển của các địa phương gắn với mục tiêu, định hướng phát triển của vùng và cả nước.
3- Ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, đặc biệt là cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu dịch vụ lô-gi-stíc, sản phẩm công nghệ cao, nghiên cứu và triển khai các thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh.
4- Sớm triển khai và hoàn thành các dự án trọng điểm của vùng đã được Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL nhiệm kỳ 2019 - 2020 đề xuất như: Dự án xây dựng mới tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Dự án phát triển các tuyến đường thủy nội địa Cần Thơ - Cà Mau; Dự án nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn 4E; Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL; Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé; Dự án đường hành lang ven biển phía Nam;.../.
Các tin khác
Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.