Tạo động lực mới cho thành phố tăng trưởng

30/07/2019

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; thu nhập bình quân đầu người của thành phố luôn đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư từ vốn ngoài ngân sách, hỗ trợ khởi nghiệp được tăng cường.

Trước thềm Xuân mới 2018, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố, chia sẻ

- Năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Thành phố chọn thực hiện chủ đề năm 2018 là “Kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”. Nghị quyết số 18 /NQ-HĐND của HĐND thành phố “Về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018” cũng đã xác định mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chú trọng cải thiện nền tảng cho tăng trưởng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sáng tạo đối với sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm thuận lợi, bình đẳng, đặc biệt là khởi nghiệp doanh nghiệp. Phát triển khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội,…
 
* Để tạo đà phát triển kinh tế, thành phố cần tập trung khai thác những thế mạnh nào trên các lĩnh vực then chốt, thưa ông?
 
- Trước tiên, thành phố cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm tăng cường liên kết vùng, thu hút các nhà đầu tư và thu hút khách du lịch. Bộ Công thương đã quy hoạch một Trung tâm logistics loại II tại TP Cần Thơ, nên thành phố đang phấn đấu để trở thành trung tâm logistics ĐBSCL càng nhanh càng tốt và chú trọng thu hút các nhà đầu tư cho lĩnh vực này. Hiện Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ. Khi cơ chế đặc thù cho Cần Thơ được ban hành và vận dụng linh hoạt, thông thoáng sẽ góp phần thu hút được các nhà đầu tư lớn, tạo nên nguồn ngoại lực mới mang tính chất đột phá, kết hợp cùng với nguồn nội lực hiện có của thành phố để tạo động lực mới cho tăng trưởng.
 
Về các khu vực kinh tế, thành phố đang trong nhóm dẫn đầu ĐBSCL về năng lực công nghiệp chế biến. Theo đó, các ngành chế biến thủy sản, nông sản vẫn đang có lợi thế so sánh so với nhiều ngành công nghiệp khác và đóng góp đáng kể vào tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Mặt khác, chế biến xuất khẩu trái cây là một ngành rất tiềm năng, đang được thị trường thế giới đón nhận và TP Cần Thơ hoàn toàn có thể trở thành nơi tập kết, chế biến, xuất khẩu trái cây của ĐBSCL. Vấn đề cốt lõi hiện nay là cần hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh; chú trọng đầu tư công nghệ thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch, công nghệ chế biến, phát triển các trung tâm kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm… để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe từ người tiêu dùng lẫn nhà nhập khẩu. Chúng ta cũng cần tránh tình trạng lệ thuộc vào một số sản phẩm xuất khẩu nhất định và một số thị trường nhất định để hạn chế rủi ro. Cần quan tâm phát triển mạnh các ngành công nghiệp mà trọng tâm là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ gắn liền với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.
 
Thương mại dịch vụ vẫn đang là thế mạnh của TP Cần Thơ và tiềm năng của khu vực này vẫn chưa được khai thác triệt để. Do đó, các sở ngành hữu quan cần tham gia hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại các thị trường, kết nối với các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh và quốc gia trong khu vực ASEAN. Đồng thời, tận dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt hoạt động cung cấp thông tin thị trường, kêu gọi các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin và thương mại điện tử để giúp doanh nghiệp TP Cần Thơ tăng cường năng lực về thương mại dịch vụ.
Cần Thơ đang phấn đấu trở thành trung tâm logistics của vùng ĐBSCL.
Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tân Cảng - Cái Cui.
(Ảnh: Báo Cần Thơ)
 
* Theo ông, thành phố cần làm gì để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện hơn nữa chất lượng môi trường đầu tư?
 
- Theo tôi, yêu cầu của đổi mới mô hình tăng trưởng chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đảm bảo năng suất chất lượng, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đối với TP Cần Thơ để thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng phải tận dụng một cách nghiêm túc và hiệu quả các nguồn lực, lợi thế hiện có, kể cả việc tạo ra các điều kiện mới là đòn bẩy để tạo ra động lực tăng trưởng mới; đổi mới mô hình tăng trưởng phải theo tín hiệu thị trường.
 
Những năm gần đây, thành phố nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI. Thành phố rất cần các doanh nghiệp đầu tàu đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lẫn hộ kinh doanh cá thể sản xuất kinh doanh. Thành phố đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 13.800 doanh nghiệp hoạt động ổn định và vận động chuyển đổi 10% số hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Theo tôi, chính nhu cầu thực tế của hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp cùng các cơ chế chính sách thông thoáng của thành phố mới góp phần tạo nên động lực để doanh nghiệp hình thành và phát triển.
 
Tháng 4-2017, Viện Kinh tế - Xã hội được UBND thành phố giao chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên năm 2017 để bàn về các giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh của TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020. Từ thành công của diễn đàn này, Viện cũng đề xuất thành phố duy trì diễn đàn này hàng năm xoay quanh các chủ đề như tái cơ cấu nền kinh tế thành phố: cơ hội, thách thức và giải pháp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0,... Diễn đàn sẽ góp phần giúp thành phố tranh thủ sự tham vấn của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học để tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo các mục tiêu thành phố đã đề ra trong những năm tiếp theo.
 
* Xin cảm ơn ông!
 
 
Nguồn: Theo MINH HUYỀN - CANTHO Online
 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video