Phát triển doanh nghiệp gắn với nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ

25/07/2019

Tác giả: TS. Trần Thanh Bé, ThS. Trần Tố Loan

(Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ)

Mở đầu

Tư duy mới về phát triển kinh tế đã được khởi xướng trong Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) ngày càng khẳng định qua các kỳ Đại hội, đến Đại hội XI (tháng 1/2011) và Hiến pháp 2013 (tháng 11/2013). Từ nền kinh tế kế hoạch tập trung phát triển trong hơn 10 năm sau Chiến thắng Mùa Xuân vĩ đại 1975 chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần và khẳng định phát triển “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” theo hướng “kinh tế tri thức”, “phát triển xanh”... Với tư duy mới ấy, Việt Nam đã vượt nhiều khó khăn, thử thách, thoát khỏi khủng hoảng tự thân giữa thập niên 80 thế kỷ trước, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, phát triển nhanh để thoát nghèo vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tầm đất nước trên bản đồ kinh tế - chính trị thế giới được nâng lên rõ rệt.

Doanh nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong thành tựu phát triển KT-XH đất nước thời gian qua. Trong khuôn khổ Toạ đàm khoa học “Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới”; tham luận “Phát triển doanh nghiệp gắn với phát triển nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố Cần Thơ” trình bày về thực trạng phát triển doanh nghiệp và nguồn nhân lực trên địa bàn trong 10 năm xây dựng và phát triển thành phố để cùng với các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận các vấn đề có liên quan, tiếp tục góp phần hoàn thiện tư duy mới trong phát triển bền vững và hiệu quả cho nền kinh tế địa phương và cả nước.

Thực trạng phát triển ở TP Cần Thơ

Với Nghị quyết 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003, thành phố Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động như là một thành phố trực thuộc trung ương ngay từ những ngày đầu năm 2004. Để định hướng và tạo điều kiện để “thành phố trẻ” Cần Thơ phát triển, ngày 17/02/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Theo đó, “xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện thành phố Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”, và vì vậy thành phố Cần Thơ phải phấn đấu xây dựng và phát triển đến năm 2020 “trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mêkong; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế  và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”, “là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng”.

Sau hơn 5 năm phát triển, thành phố Cần Thơ (TPCT) đã trở thành thành phố loại I trực thuộc trung ương (Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2009), xứng đáng là một trong bốn địa phương thuộc “vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL” (cùng với An Giang, Kiên Giang và Cà Mau theo Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009).

Phát triển kinh tế

Thành tựu

Qua 10 năm phát triển 2004-2013, TPCT đã đạt những thành tựu kinh tế khá toàn diện, thể hiện qua các chỉ tiêu chính sau:

- Tổng giá trị sản xuất (GO, theo giá so sánh 2010) trên địa bàn tăng 3,61 lần (các khu vực nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng tương ứng 1,29 - 4,18 - 4,28 lần);

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP, giá so sánh 2010) bình quân/năm đạt 13,92% – cao gấp 1,9 - 2,5 lần (trung bình 2,2 lần) tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước;

- Cơ cấu kinh tế (giá thực tế) chuyển dịch đúng hướng “giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ”: nông nghiệp từ 20,76% giảm xuống 8,61%, công nghiệp – xây dựng tăng từ 38,41% lên 38,92% (đạt 44,39% năm 2010 sau đó giảm) và dịch vụ tăng từ 40,82% lên 52,47%;

- Bình quân GDP/người tăng 6,1 lần, đạt 62,92 triệu đồng năm 2013 (theo giá so sánh 2010 tăng 3,14 lần) – cao gấp 1,57 lần bình quân chung cả nước và 1,82 lần bình quân vùng ĐBSCL;

- Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP giai đoạn 2006-2013 đạt bình quân 8,84% (riêng giai đoạn 2010-2013 đã tăng lên 39,13%), đánh dấu sự đóng góp tích cực của KH&CN đến phát triển nền kinh tế tri thức và tăng trưởng bền vững kinh tế của thành phố;

- Thành phố Cần Thơ luôn ở nhóm “điều hành tốt” xét về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); năm 2013, TPCT có bước “nhảy vọt” để đứng hạng 9 toàn quốc và hạng 4 ở ĐBSCL.

Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu nêu trên trong phát triển, TPCT cũng còn một số hạn chế.

- Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bền vững, còn dựa nhiều vào vốn: khi đầu tư công hạn chế (theo mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả nước), tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố giảm thấp: từ 15,98% giai đoạn 2005-2007, xuống 15,16% giai đoạn 2008-2010 và tiếp tục xuống còn 12,62% giai đoạn 2011-2013 khi vốn tăng trưởng bình quân/năm từ 44,01% giảm xuống 32,17% và 11,12%; tương ứng các giai đoạn; dù vai trò của TFP đã tăng lên, vốn còn đóng góp rất lớn, đến 59,45% tăng trưởng của GDP trong giai đoạn 2010-2013 (số liệu đề tài KH&CN nêu trên).

- Từ số liệu NGTK, chỉ số hiệu quả đầu tư ICOR giai đoạn 2006-2013 đạt bình quân 3,63, thấp hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, chỉ số này đã tăng từ 2,49 (giai đoạn 2004-2008) lên 4,55 (giai đoạn 2009-2013), nghĩa là hiệu quả đầu tư giảm, do tập trung đồng loạt nhiều công trình hạ tầng lớn nhưng kéo dài, chậm hoàn thành do thiếu vốn, không phát huy được hiệu quả.

- Chỉ số PCI cải thiện chậm; năm 2013, TPCT đứng hạng 9 toàn quốc với tổng điểm đạt 61,46 (kém 5 điểm so đơn vị đứng đầu là Đà Nẵng), và kém hơn 3 tỉnh ở ĐBSCL (Kiên Giang 63,55 điểm hạng 3, Đồng Tháp 63,35 điểm hạng 5, và Bến Tre 62,78 điểm hạng 6). Trong đó, các chỉ số thành phần “tính minh bạch thông tin”, “đào tạo lao động” và “thiết chế pháp lý” đạt điểm thấp (dưới 5,50) cần được chú ý cải thiện, nhất là 2 thành phần đầu có trọng số cao (20%).

Phát triển doanh nghiệp

Mười năm qua, 2004-2013, vượt qua nhiều khó khăn chung và nội tại, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã phát triển phong phú về chủng loại, đa dạng về lĩnh vực hoạt động, lớn lên về quy mô; và đóng góp ý nghĩa vào sự phát triển chung của thành phố để thành phố ngày càng xứng đáng với vai trò “trung tâm động lực phát triển toàn vùng” theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW.

Số lượng doanh nghiệp (DN)

- Số lượng DN vẫn tăng mạnh, dù trong giai đoạn khủng hoảng có nhiều DN khó khăn, thua lỗ, giải thể hơn trước: từ 1.527 DN năm 2005 lên 3.567 DN năm 2010 và 4.020 DN năm 2012.

- DN tập trung ở các (5) quận: hơn 93% số DN năm 2012; riêng Q. Ninh Kiều chiếm đến 56%, kế đến là Bình Thuỷ 17%, Cái Răng 9%; các huyện chưa thu hút được nhiều DN.

- Loại hình (sở hữu) nhiều nhất, và chủ yếu là DN ngoài nhà nước: tăng nhiều trong giai đoạn 2005 – 2012, nên tỷ trọng tăng từ 95,2% lên 98,3%; DN nhà nước chiếm tỉ trọng nhỏ, số lượng giảm và tỷ trọng giảm từ 3,8% xuống 1,0%; DN có vốn đầu tư nước ngoài, dù số lượng có tăng thêm, nhưng tỉ trọng giảm từ 1,0% xuống 0,7% trong giai đoạn trên.

- Cơ cấu theo nhóm lĩnh vực hoạt động đến cuối năm 2012, cho thấy:

+ nhóm “bán buôn, bán lẻ, sửa chữa máy móc” chiếm tỷ trọng cao nhất 35,5%, giảm từ 39,5% năm 2005;

+ nhóm “công nghiệp chế biến, chế tạo” đứng thứ 2/21 nhóm, tăng về số lượng nhưng tỷ trọng giảm còn 17,9% từ 26,8% năm 2005; trong đó phân nhóm “chế biến thực phẩm” chiếm 28,4% nhóm, giảm từ 34,5% năm 2005; trong liên nhóm công nghiệp, nhóm CBCT chiếm đa số tuyệt đối 92,6% giảm từ 99,0% năm 2005. (Ngành công nghiệp chiếm 19,4% với 779 DN, tăng về số lượng nhưng giảm về tỷ trọng so với 413 DN, 27,0% của năm 2005)

+ nhóm “xây dựng” tăng mạnh về số lượng, chiếm 15,3% (615 DN), nhưng giảm so 697 DN năm 2011;

+ nhóm “hoạt động chuyên môn, KHCN” chiếm vị trí khá với 291 DN đạt 7,2%; nhưng nhóm “giáo dục và đào tạo” dù số lượng đã tăng lên nhiều nhưng tỉ trọng còn rất khiêm tốn (41 DN, 1,0%);

+ nhóm tăng về số nhưng tỷ trọng ít thay đồi gồm “dịch vụ lưu trú và ăn uống” (287 DN, 7,1%) và “vận tải, kho bãi” (191 DN, 4,8%).

+ nhóm “kinh doanh bất động sản” giảm mạnh về số lượng và tỷ trọng, còn 71 DN (1,8% tổng số DN);

+ nhóm tăng cả về số lượng và tỷ trọng nhưng vẫn chưa nhiều là “nông nghiệp” (53 DN, 1,3%) và “tài chính, bảo hiểm” (36 DN, 0,9%);

Quy mô DN

- Quy mô DN (theo vốn sản xuất kinh doanh) trên địa bàn tăng dần qua thời gian, bình quân tăng 2,7 lần sau 7 năm từ năm 2005, đạt 27,718 tỷ đồng/DN năm 2012 (thuộc nhóm DN quy mô vừa, phân loại theo NĐ 56/2009/NĐ-CP).[2]

- DN nhà nước có số lượng ít, nhưng quy mô vốn vượt trội, năm 2012, đạt bình quân trên 503 tỷ đồng/DN so với 145 tỷ đồng của DN có vốn đầu tư nước ngoài và 22 tỷ đồng của DN ngoài nhà nước (chiếm số đông); như vậy chỉ có nhóm thứ 3 thuộc quy mô vừa, còn 2 nhóm đầu thuộc quy mô lớn. (Trong tổng vốn DN trên địa bàn năm 2012, vốn của DNNN chiếm 18,5% – giảm mạnh từ 46,3% năm 2005, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,5%, và DN ngoài nhà nước chiếm 78,0% – tăng mạnh từ 48,8% năm 2005.)

- Trong các nhóm ngành, nhóm DN “tài chính, ngân hàng, bảo hiểm” có bình quân vốn hoạt động lớn nhất, năm 2012 đạt 441,6 tỷ đồng/DN, gấp 15,9 lần bình quân chung; kế đến là nhóm DN “sản xuất và phân phối điện, khí đốt...” đạt 427,2 tỷ đồng/DN, gấp 15,4 lần bình quân chung.

+ Nhóm DN “sản xuất, chế biến thực phẩm” có vốn lớn thứ 3 (gấp 4,3 lần bình quân chung), tăng mạnh từ năm 2005 đạt 119,3 tỷ đồng/DN năm 2012; trong khi nhóm DN “chế tạo” chỉ có quy mô vừa, với 26,1 tỷ đồng/DN.

+ Hai nhóm có vốn lớn kế đến là DN “y tế và trợ giúp XH” với bình quân 82,1 tỷ đồng/DN và DN “kinh doanh bất động sản” với 80,1 tỷ đồng/DN và đều có tăng trưởng vốn rất cao, tương ứng gấp 34,2 và 27,7 lần so với năm 2005.

- Trong nhóm quy mô vừa, có DN “vận tải, kho bãi” (24,5 tỷ đồng/DN), DN “bán buôn, bán lẻ,sửa chữa máy móc…” (13,2 tỷ đồng/DN), …

- Các nhóm có quy mô nhỏ bao gồm DN “xây dựng” (14,5 tỷ đồng/DN), DN “nông nghiệp” (11,5 tỷ đồng/DN).

Phát triển nguồn nhân lực

Nguồn lực con người là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định trong quá trình phát triển xã hội của đất nước, địa phương. Thành phố Cần Thơ đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá của trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đảng bộ TPCT (ĐH lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 – 2015) khẳng  định  “tiếp tục  đổi  mới  công tác  tổ  chức công  chức,  tiếp  tục  xây  dựng  các  chương  trình đào  tạo  nguồn  nhân  lực,  thu  hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, công chức chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố” và đã nêu rõ mục tiêu “Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 30% đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ tiêu chuẩn theo quy định của chức danh; 30% công chức lãnh đạo, quản lý cấp thành phố, 20% cấp quận, huyện và tương đương, 30% công chức ngạch chuyên viên chính có trình độ sau đại học.” Trên cơ sở đó thành phố đã xây dựng độc lập và lồng ghép những chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, phát triển, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực địa phương cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao từ nhiều nguồn khác nhau.

Một trong những thuận lợi của TPCT là trên địa bàn, ngoài hệ thống giáo dục phổ thông đều khắp các xã phường, quận huyện, còn có nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cả trung ương và địa phương, cả công lập và tư thục, cả sau đại học, đại học và chuyên nghiệp – nghề… Bậc đại học và sau đại học có các trường công lập ĐH Cần Thơ (trọng điểm quốc gia, đa ngành), ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ bên cạnh các trường tư thục như ĐH Tây Đô, ĐH Nam Cần Thơ… có thể thu hút hàng chục ngàn sinh viên mỗi năm. Trên địa bàn còn có nhiều trường Cao đẳng và Trung cấp như: CĐ Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, CĐ Y tế, CĐ Nghề Cần Thơ… góp phần đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật. Hệ lý luận chính trị đã có Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 4, Trường Chính trị thành phố cùng hệ thống Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở các quận huyện. Ở các quận huyện còn có những Trung tâm đào tạo nghề và các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân tham gia đào tạo nghề.

- Riêng đào tạo sau đại học, cả hai năm 2012 – 2013, thành phố Cần Thơ chiếm hơn 40% tổng số học viên trình độ tiến sĩ và hơn 24% học viên trình độ thạc sĩ; tập trung nhiều nhất là các ngành kinh tế và quản trị kinh doanh. Đặc biệt là đào tạo bằng thứ hai về kinh tế, hầu hết học viên từ TPCT (92,6%).

- Hàng năm Sở Nội vụ cùng các Sở Ban ngành và các đơn vị sự nghiệp cấp thành phố phối hợp với các cơ sở đào tạo (trong đó có các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các Bộ, ngành trung ương) trong cả nước để mở từ 70 - 80 lớp bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn với khoảng 5.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự (cụ thể, năm 2012 mở 77 lớp với 4.949 lượt người tham dự và năm 2013 tổ chức 69 lớp với 5.089 lượt người) tập trung các kỹ năng nghiệp vụ dành cho quản lý cấp trung và các chuyên ngành như nội vụ, đối ngoại, quản lý đô thị, thương mại điện tử, người phát ngôn, phát thanh truyền hình, xúc tiến đầu tư, lưu trữ và chỉnh lý tài liệu, thi đua khen thưởng.

- Bên cạnh đó, hàng năm khoảng 50.000 lượt lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề ngắn và trung hạn, lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo thêm một lực lượng đông đảo lao động sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo của TPCT tăng từ 20% năm 2004 đạt 49% vào cuối năm 2013, đứng vào nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL.

- Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng - công tác đào tạo nguồn nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn cao ngày càng được chú trọng. Từ năm 2005, thành phố Cần Thơ đã phối hợp trường ĐH Cần Thơ thực hiện đề án “Cần Thơ – 150” (Đào tạo nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ sau đại học cho thành phố Cần Thơ giai đọan 2005 – 2011). Đây là giải pháp nổi bật nhất mang tính đột phá, tạo nguồn nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn sau đại học, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố Cần Thơ, thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, để thành phố Cần Thơ có đủ năng lực tiếp cận và ứng dụng KH&CN tiên tiến của thế giới, góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ thực sự là trung tâm văn hoá - khoa học - kỹ thuật của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay đề án này được đánh giá là thành công nhất trong các đề án thành phần của chương trình “Mekong 1000” của vùng ĐBSCL.

Tuy vậy trong lĩnh vực phát triển, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực ở TPCT cũng còn một số hạn chế:

- Việc đào tạo nghề thường theo chỉ tiêu được phân bổ của Chương trình mục tiêu quốc gia, đạt về số lượng “lượt người được học”; nhưng chất lượng không đảm bảo: người được học chưa chắc đã sống được với nghề được học, tay nghề không đáp ứng yêu cầu của DN (trên địa bàn hoặc ngoài thành phố). Điều này được phản ánh qua đánh giá thấp của DN tư nhân về chỉ số thành phần “đào tạo lao động” trong PCI (giảm trong những năm gần đây) và gián tiếp ảnh hưởng đến việc thu hút DN vào đầu tư phát triển trên địa bàn.

- Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp đủ mạnh để thu hút hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho địa phương (vấn đề là sự tin cậy và môi trường làm việc hơn là “thảm đỏ tài chính”). Nguồn nhân lực chất lượng cao đang “đứng chân trên địa bàn” (ở các Viện, Trường trực thuộc TW) phong phú về ngành nghề và dồi dào về số lượng nhưng thành phố cũng chưa “sử dụng” một cách hiệu quả. Cũng có điều “nghịch lý” là: nhiều chương trình, dự án, đề tài của các Viện Trường đóng trên địa bàn lại triển khai nhiều ở các tỉnh khác hơn là ở TPCT (vần đề, một lần nữa là cơ chế, chính sách).

Đề xuất – kiến nghị

Để thành phố Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trên nền kinh tế tri thức, theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng trưởng xanh, hội nhập sâu rộng... ngày càng xứng đáng với vai trò trung tâm động lực phát triển vùng của một đô thị sinh thái văn minh hiện đại giữa vùng sông nước ĐBSCL, từ góc độ phát triển doanh nghiệp và nguồn nhân lực, thành phố Cần Thơ cần:

- Cải cách nền hành chính công một cách mạnh mẽ hơn nữa theo hướng phục vụ hơn là quản lý doanh nghiệp.

- Những cơ chế, chính sách thông thoáng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường thuận lợi nhất (trong đó có xác định định hướng ưu tiên phát triển cụ thể lâu dài và từng giai đoạn trên cơ sở phát huy tốt nhất lợi thế tương đối của địa phương trong mối liên toàn vùng và liên vùng) để thu hút đầu tư mạnh (cả trong và ngoài nước) vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

- Những cơ chế, chính sách tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực – nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài địa bàn -  về phục vụ địa phương.

- Rà soát, điều chỉnh và lồng ghép các chương trình mục tiêu khác nhau vào trong cùng chương trình tổng thể phát triển DN và nguồn nhân lực.

Lời kết

Trong tiến trình đổi mới và phát triển, nhiều cơ hội và nhiều thách thức đặt ra cần xem xét giải quyết. Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định, doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.

Thành phố Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả khả quan trong 10 năm qua. Doanh nghiệp trên địa bàn đã có bước tăng trưởng cả về số lượng và quy mô vốn, nguồn nhân lực đã được bổ sung về số lượng và chất lượng. Để phát triển nhanh và bền vững hơn, ngày càng xứng đáng là đô thị trung tâm động lực phát triển vùng, thành phố Cần Thơ cần tập trung giải quyết khâu đột phá “nguồn nhân lực” và phát triển doanh nghiệp, trong đó nổi cộm là vấn đề cơ chế chính sách trong hai lĩnh vực này./.

 


[1] Tham luận Hội thảo “Tư duy mới về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới”

[2] Theo số liệu của Sở KH&ĐT, đến đầu năm 2014 trên địa bàn thành phố có 6.860 DN đăng ký hoạt động với vốn đăng ký bình quân 11.637 triệu đồng/DN (quy mô DN nhỏ). Có 7 DN có vốn trên 1.000 tỷ, tổng vốn chiếm 40,14% tổng vốn DN trên địa bàn; số còn lại có vốn bình quân 6,97 tỷ/DN. Ngoài ra có thêm 82 DN có vốn trên 100 tỷ đổng (tổng vốn chiếm 21,80%) và 60 DN thương mại dịch vụ có vốn trên 50 tỷ đồng (tổng vốn chiếm 4,81%). Trừ 3 nhóm (149 DN quy mô lớn này) này, số 6.711 DN còn lại có vốn bình quân 3.955 triệu đồng/DN.

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video