Mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Giải pháp xây dựng, phát triển nông thôn mới hiệu quả và bền vững tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

15/09/2019

Tác giả: Ths. Nguyễn Công Toàn (Viện Kinh tế - Xã hội Tp. Cần Thơ)

Báo cáo Tham luận tại Hội thảo Định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Phù Cát đến năm 2025 và tầm nhìn 2035

Phù Cát là huyện có điều kiện sinh thái khá đa dạng của tỉnh Bình Định, với 3 tiểu vùng sinh thái gồm trung du, đồng bằng và ven biển. Dân số trung bình toàn huyện khoảng 205.000 người, chủ yếu là người kinh (trong đó nữ chiếm 51,5%), gồm 1 Thị trấn Ngô Mây và 17 xã, với mật độ dân số đạt trung bình 302 người/km2. Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như lâm nghiệp, sản xuất nông nghiệp (SXNN), nuôi trồng thủy sản; đặc biệt là gắn các sản phẩm làng nghề phát triển du lịch sinh thái, với nhiều địa danh nổi tiếng như suối nước nóng Hội Vận, Hòn vọng phu tại Núi Bà, Chùa Linh Phong, Nước mắm cá cơm, Bánh ít lá gai, Chả cá,…

Nông thôn huyện Phù Cát. Ảnh. Internet

Trên cơ sở tham khảo số liệu thứ cấp kinh tế - xã hội (KTXH) cho thấy, trong những năm gần đây, huyện Phù Cát đã phát triển kinh tế nông nghiệp (KTNN), chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và đã đạt được những thành tựu về KTXH chủ yếu được ghi nhận, như:

(i) Huyện đã thành công trong việc tập trung việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất, cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hệ thống giao thông nông thôn, thực hiện đồng bộ các quy hoạch phát triển vùng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa trên cùng một đơn vị diên tích. Từ đó, đã nâng cao thu nhập (đạt trung bình 39 triệu đồng/người/năm) và chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.

(ii) Trong cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển đúng hướng, trong đó xác định vùng chuyên canh là cây lúa, đậu phụng, cây hành, ớt, bắp lai và rau màu các loại. Huyện đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả (gần 2.200 ha) sang trồng một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như bắp lai, dưa hấu…góp phần tăng thu nhập cho nông dân từ 3-4 lần so với trồng lúa. Đến nay, gần 3 năm (2016-2018), huyện đã triển khai thực hiện hơn 100 mô hình “Cánh đồng lớn” trên diện tích 5.200 ha theo cơ cấu mùa vụ 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa – 1 vụ màu. Bước đầu đã cho kết quả rất tốt, giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt từ 100 – 120 triệu đồng (tăng từ 12 – 15% so với năm 2015), đặc biệt có nhiều cánh đồng đạt trên 200 triệu đồng/ha như tại xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Tài,…đồng thời hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng hoàn thiện1 và cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

(iii) Kinh tế phát triển ổn định, nhân dân tích cực đóng góp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong giai đoạn 2011-2018 tổng nguồn lực vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đạt 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các xã đã đầu từ nguồn vốn ngân sách hơn 170 tỷ đồng, cùng với sự đóng góp của nhân dân trị giá khoảng 38 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng nông thôn… Đến nay, có 8 xã2 (chiếm 47% tổng số xã toàn huyện) được công nhận đạt chuẩn NTM. 

Thực tiễn cho thấy, nông nghiệp - nông dân - nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển KTXH bền vững. Vì vậy, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ khu vực nông nghiệp – nông thôn, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Kết quả 10 năm (2008-2018) thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 7 (khóa X), 8 năm (2010-2018) thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, khu vực nông thôn (KVNT) cả nước với nhiều đổi thay rõ rệt, kết cấu hạ tầng có bước phát triển khá mạnh mẽ. Cụ thể, cả nước hơn 20.000 mô hình phát triển sản xuất đã tạo nên động lực mới cho phát triển kinh tế KVNT; có hơn 3.400 xã (chiếm 38%) được công nhận đạt chuẩn NTM; nhiều địa phương đã qua giai đoạn xây dựng NTM, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những khó khăn, tồn tại trong nhiệm vụ phát triển kinh tế KVNT hiện nay như:

(i) kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể KVNT chưa được thúc đẩy tích cực, dẫn đến nhiều lợi thế của địa phương về nông nghiệp, sản phẩm, lao động, văn hóa,…chưa được khai thác tốt. Do vậy, kinh tế khu vực này phát triển vẫn còn chậm so với tiềm năng. Nguyên nhân có nhiều, trong đó nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu, cơ bản nhất là địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại còn rất nhiều hạn chế, ở nông thôn sản xuất ở quy mô kinh tế hộ là chủ yếu, các mô hình tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại (doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp) đều thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh.

(ii) Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo theo đúng chuyên môn sản xuất sản phẩm có lợi thế của địa phương và năng suất lao động KVNT đạt thấp; công tác quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, quản lý nhà nước còn hạn chế và nhiều bất câp về công tác định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để phát triển và kết nối thị trường.

(iii) Công tác xã hội hóa các nguồn lực, nhất là nguồn vốn để hỗ trợ phát KVNT từ các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước từ chương trình, dự án hỗ trợ phát triển SXNN; thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân; người dân chưa chú trọng đến việc phát triển sản phẩm truyền thống có lợi theo quy mô hàng hóa, rất nhiều dự án hỗ trợ sau khi kết thúc, nông dân chưa đủ trình độ, năng lực tài chính cũng như năng lực quản lý để tiếp cận, làm chủ và phát triển tiếp một cách bền vững.

(iv) Khu vực kinh tế nông thôn phát triển không đều, cùng với đó là hàng loạt các vấn đề về ô nhiễm môi trường, di cư lao động từ nông thôn ra thành thị đã làm ảnh hưởng lớn đến phát triển KTXH của khu vực này, nhất là thiếu hụt lao động cho các hoạt động SXNN khi vào mùa chính vụ. Điều này, phần nào cũng ảnh hưởng đến tiến trình và chất lượng xây dựng NTM của địa phương. Do đó, phát triển sản xuất, nhất là tổ chức phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ cốt lõi của xây dựng NTM nhưng vẫn đang là bài toán khó nhất của chương trình xây dựng NTM cho khu vực này. 

Từ kết quả hoạt động và các hạn chế trong xây dựng NTM, một kinh nghiệm của quốc tế được tham khảo được cho là phù hợp để tạo động lực phát triển cho KVNT, đó là phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) – đây là mô hình được áp dụng và rất thành công ở Nhật Bản hơn 40 năm qua và hiện nay OVOP đã lan tỏa ra hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trong OVOP, đặc biệt chú ý đến phát triển khu vực kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, đồng thời chú trọng đến các nguồn lực tại chỗ để làm động lực phát triển. Từ đó, OVOP đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển KTXH của KVNT ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Từ năm 2013, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt và triển khai Chương trình “Mỗi xã một làng nghề” (One commune one product-OCOP), đến nay cả nước có hơn 30 địa phương học tập và triển khai OCOP. Trong một thời gian ngắn, thông qua OCOP đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng, sản phẩm chủ lực KVNT3. Trên cơ sở thực tiễn đó, năm 2018 Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) – được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế KVNT thông qua phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở khu vực này, trong đó trọng tâm là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế địa phương theo chuỗi giá trị, trong  đó đã xác đinh chủ thể quan trọng thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể (nồng cốt là hợp tác xã nông nghiệp).

Qua kết quả tổng kết, đánh giá tại nhiều địa phương cho thấy, thực hiện thành công OCOP không chỉ đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng NTM mà còn khắc phục được các thách thức lớn trong SXNN hiện nay của Việt Nam, đó là:

(i) quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn;

(ii) những tác động tiêu cực, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu ngày một gia tăng; 

(iii) tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đang tạo ra một áp lực lớn cho các sản phẩm trong nước. 

Do đó, một yêu cầu cấp bách hiện nay ở mỗi địa phương là cần phải cơ cấu lại ngành SXNN với định hướng phát triển theo các nhóm sản phẩm ở 3 cấp độ, đặc biệt là các sản phẩm cấp huyện, xã (mà Chương trình OCOP đang hướng vào) nhằm thực hiện mục tiêu chuẩn hóa gần 2.400 sản phẩm cho cả nước, củng cố gần 4.000 tổ chức kinh tế tham gia OCOP trong giai đoạn 2018-2020, góp phần thực hiện hiệu quả và bền vững nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất”  - là tiêu chí quan trọng nhất trong bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Để phát huy những lợi ích, tính hiệu quả từ OCOP đối với phát triển kinh tế nông thôn ở huyện Phù Cát phù hợp trong điều kiện kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng khó lường của biến đổi khí hậu đến hoạt động SXNN và đời sống người dân địa phương; đồng thời nhằm thúc đẩy OCOP phát triển hiệu quả hơn, chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ và có hệ thống các giải pháp trọng tâm sau:

- Một là, huyện cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông nhận thức cho cán bộ, người dân và cộng đồng địa phương, cũng như nhà doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa của OCOP; từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và động lực cho nền kinh tế địa phương phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế.

- Hai là, tổ chức lại sản xuất KTNN, phát triển sản phẩm theo hướng tiếp cận thị trường, chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển đa dạng hóa kinh tế hợp tác, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển hợp tác xã nông nghiệp – là cầu nối quan trọng gắn kết giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo lợi ích KTXH cho người dân và cộng đồng địa phương.

- Ba là, thúc đẩy sản xuất và liên kết phát triển nông sản theo hướng phát triển 3 trục sản phẩm ở cấp độ quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, xã; trong đó đặc biệt chú ý đến sản phẩm chủ lực cấp huyện, xã (OCOP) gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng NTM của địa phương. Trên cơ sở đó, lãnh đạo địa phương sớm lựa chọn và phát triển các sản phẩm nông nghiệp và lồng ghép với chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM; đồng thời sớm ban hành các quy định, quy trình cũng như hệ thống các tiêu chuẩn để đánh giá sản phẩm OCOP và thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại, giao lưu thương mại giữa các địa phương trong và ngoài huyện, thực hiện các dự án liên kết vùng huyện, xã, thường xuyên tổ chức các sự kiện vinh danh sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua hội chợ, festival và từng bước đưa nông dân hội nhập với thị trường.

- Bốn là, huyện cần tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo năng lực quản lý cán bộ trong các chương trình quốc gia, các tổ chức quốc tế, đóng góp thiết thực cho phát triển KVNT như chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020 ; chương trình mục tiêu tái cơ cấu KTNN và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; đặc biệt là nguồn lực trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, cần tăng cường nghiên cứu khoa học đề xuất các giải pháp mới, sản phẩm mới, nhất là các giải pháp tăng cường tiếp cận của nền nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” như thế nào và giúp cho địa phương có bước đi cũng như giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh phát triển mới.

Tóm lại, OCOP là chương trình phát triển kinh tế cho KVNT cả nước nói chung và huyện Phù Cát nói riêng. Nhận thấy, kết quả bước đầu mà chương trình này mang lại rất khả quan và có vai trò rất quan trong nhiệm vụ xây dựng NTM. Trên quan điểm thực hiện từng bước, có tổ chức đánh giá và đúc kinh nghiệm thành công cũng như nguyên nhân hạn chế của chương trình. Vì vậy, lãnh đạo huyện Phù Cát cần xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện chương trình OCOP phù hợp với nguồn lực địa phương cho giai đoạn hiện tại cũng như các giai đoạn tiếp theo. Do vậy, để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM và phát triển bền vững KVNT giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo huyện Phù Cát cần phải có quyết tâm chính trị cao để triển khai có hiệu quả OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ trong phong trào khởi nghiệp KVNT.

--------------------------------

1. Theo số liệu thống kê huyện Phù Cát, đến nay 100% số thôn đều có điện lưới, 100% số hộ sử dụng điện, gần 98% số hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh.

2. 8 xã bao gồm: Xã Cát Trinh, Cát Tài, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tân, Cát Lâm, Cát Tường và Cát Hưng.

3. Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện nay có hơn 6.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh), trong đó có đến 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước; tổ chức sản xuất hơn 4.800 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm sản phẩm thực phẩm chiếm cao nhất (gần 54%).

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video