Hội thảo “Hỗ trợ người trồng lúa làm giàu bền vững và phát triển kinh tế nông thôn; liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo, chế biến sản phẩm sau gạo, mời gọi đầu tư chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm” trong khuôn khổ Festival Lúa Gạo Việt Nam lần IV - Vĩnh Long 2019

17/12/2019

Sáng ngày 17/12/2019, đã diễn ra Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban Tổ chức Festival; ông Lê Chí Phương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; PGS. TS. Võ Thành Danh - Trường Đại học Cần Thơ; Ông Đặng Kiều Nhân -Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Cùng với các chuyên gia PGS. TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời). KS. Hồ Quang Cua, Anh hùng Lao động, Nguyên Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng. Ông Lê Bình Nguyên, Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh tỉnh An Giang. Phía tỉnh Vĩnh Long có Ông Trần Văn Trạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long; Cùng với đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành, quận huyện tỉnh Vĩnh Long; doanh nghiệp, nhà khoa học, bà con nông dân và các đơn vị báo đài đến và đưa tin.

Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu chào mừng

Theo Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban Tổ chức Festival cho biết đối với Vĩnh Long, diện tích gieo trồng lúa cả năm 2019 đạt trên 156.000 ha, ước sản lượng thu hoạch đạt 911.400 tấn; đây là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương trong thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh. Trong nhiều năm qua, sản xuất gạo cơ bản đã được chuyên nghiệp hóa từ người trồng lúa, người thu gom, sơ chế, xay xát, phân phối, xuất khẩu, cung ứng vật tư đầu vào và đầu ra. Các biện pháp cơ giới vào sản xuất lúa được áp dụng đa dạng ở nhiều khâu như: khâu làm đất, gieo cấy, phun xịt, gặt đập, vận chuyển... Mạng lưới các cơ sở xay xát, lau bóng, đóng gói gạo phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đã được hình thành theo hướng ngày càng hiện đại; đã xuất hiện nhiều sản phẩm có giá trị cao như gạo hữu cơ, gạo dược liệu; đã xây dựng được thương hiệu Gạo Việt Nam... Cho thấy chuỗi giá trị lúa gạo đang được định hình một cách rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: do thâm canh lúa 03 vụ nhiều năm liền nên đất đai có khuynh hướng bạc màu cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, khó lường nên năng suất lúa bình quân những năm gần đây có dấu hiệu chững lại trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng; Cơ giới hóa trong sản xuất lúa chưa đồng bộ ở các khâu, chủ yếu áp dụng nhiều ở khâu làm đất và thu hoạch nên chưa giúp giảm giá thành sản xuất lúa. Liên kết dọc và liên kết ngang giữa các nhà: nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà ngân hàng chưa thật sự bền vững. Công nghệ chế biến sau gạo và các sản phẩm được chế biến sau gạo còn ít, kém đa dạng về chủng loại, mẫu mã,… Xuất khẩu lúa gạo của các doanh nghiệp Việt Nam có dấu hiệu bị động về thị trường; nhiều thời điểm, giá thu mua lúa chưa đảm bảo cho người trồng lúa có lợi nhuận tối thiểu là 30%.

TS. Lê Chí Phương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ phát biểu khai mạc

Theo Ông Lê Chí Phương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ, cho rằng đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ IV tại Vĩnh Long năm 2019. Với mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến từ những chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và bà con nông dân chia sẻ những thông tin hữu ích về thực trạng sản xuất lúa gạo, vấn đề liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, tìm ra nhiều giải pháp thiết thực giúp người trồng lúa làm giàu bền vững góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Với hy vọng hội thảo chia sẽ và làm rõ các vấn đề về: liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cũng như chế biến các sản phẩm sau gạo; Các vấn đề bảo hộ, cam kết lợi nhuận, bảo hiểm trong nông nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo; Đề xuất các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp, trong xuất khẩu, bảo hộ người sản xuất, người trồng lúa từng bước làm giàu một cách bền vững.

Theo PGS.TS Võ Thành Danh và TS. Đặng Kiều Nhân, giải pháp để chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL cần tổ chức lại sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho nền nông nghiệp hữu cơ và phát triển thị trường nông sản trong thời đại số hiện nay. Bên cạnh đó, Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và chuẩn bị đón đầu tư lớn cho nông nghiệp ĐBSCL trong thời kỳ hội, doanh nghiệp và bà con nông dân cần thay đổi tư duy và năng lực trong việc ứng dụng CNTT, cũng như vai trò của công nghệ trong việc sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ và chế biến các sản phẩm sau gạo.

Thảo luận về “Các điều kiện cần và đủ để tiệm cận sản xuất lúa 4.0 (liên kết ngang, liên kết dọc và công nghiệp hóa nông nghiệp)”, Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng việc sản xuất nông nghiệp thông minh thì cần có tiến trình cụ thể, tiến đến sản xuất nông sản hữu cơ và các sản phẩm sau gạo cần quan tâm để tận dụng không lãng phí. Bên cạnh đó, ông KS Hồ Quang Cua cũng đã chia sẽ việc sản xuất giống ST 25 và thành công trên thương trường quốc tế vừa qua, giúp bà con nông dân Vĩnh Long yên tâm trong việc tiếp cận và tìm hiểu về giống ST 25. Ông Dương Văn Chín cũng chia sẻ kinh nghiệp từ Tập đoàn Lộc Trời về một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững là liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân/HTX,…

Các chuyên gia thảo luận phiên 1, (từ phải sang) PGS.TS Võ Thành Danh, Trường Đại học Cần Thơ; PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập Đoàn Lộc Trời); TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng, Cục CB&Phát triển TTNS, Bộ NN&PTNT; KS. Hồ Quang Cua, Anh hùng Lao động, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng; Ông Trần Văn Trạch-Chủ tịch Hội ND Tỉnh Vĩnh long; Ông Nguyễn Văn Liêm-PGĐ Sở NN-PTNT Tỉnh Vĩnh long.

Các chuyên gia thảo luận phiên 2 (từ phải sang)

TS. Đặng Kiều Nhân - Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; TS. Nguyễn Quốc Toản - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT; ThS. Ông Lê Bình Nguyên, Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh An Giang; Ông Trần Văn Trạch - Chủ tịch Hội ND tỉnh Vĩnh Long; Ông Nguyễn Văn Liêm - PGĐ Sở NN-PTNT Tỉnh Vĩnh Long.

 

Một số hình ảnh của Bà con nông dân trao đổi cùng với các chuyên gia tại 02 phiên thảo luận:

Hình Trao đổi của Đại biểu tham dự

Tin bài, Ảnh: Bích Ngọc CISED

 

 

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video