Hội thảo Mekong Connect 2022 với chủ đề “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế”

25/11/2022

Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2022, chiều ngày 24/11/2022 tại Thành phố Cần Thơ, được sự phân công của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ, Viện Kinh tế – Xã hội phối hợp với Sở Công Thương – Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế”.

Mục tiêu của Hội thảo là hành động, liên kết tìm ra giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu bền vững theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến, xử lý được bài toán được mùa mất giá và tạo lợi thế vùng trồng diện tích lớn để nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Hồng – Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch – Uỷ ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ phát biểu: “Đối với Thành phố Cần Thơ, việc xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm nông sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, các nhà vận chuyển, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.” Ông cũng chia sẻ thêm về việc thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ, “đây là một hướng đi mới cho vùng ĐBSCL, và là một trong sáu nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022”.

Thời gian qua, Cần Thơ và nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng những lợi thế để đưa ra chính sách xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành. Việc xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm nông sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, các nhà vận chuyển, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị bền vững.

Vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Quản trị vùng nguyên liệu tốt sẽ giúp cải thiện tổ chức sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm giá thành sản phẩm từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp còn giúp cho Nhà nước dễ dàng trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, qua đó giúp cộng đồng nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội ngành phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển vùng nguyên liệu cũng giúp nhà nước thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản; qua đó quản lý hiệu quả được nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp.

Bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, xây dựng mã số vùng trồng gần như là tiêu chuẩn căn bản mà chúng ta phải hoàn thành thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn phía nhà nhập khẩu đưa ra. Theo bà Vy, việc hiểu về xây dựng mã số vùng trồng ở nhiều nơi còn rất hạn chế. Trong khi đây là một trong những việc trọng yếu để chúng ta có thể bán được bán sản phẩm của mình.

Tôi mong chính quyền các địa phương làm sao tập huấn để nông dân hiểu hơn, tham gia tích cực hơn vào việc xây dựng mã số vùng trồng, để chúng ta tham gia cuộc chơi lớn hơn” – bà Vy bày tỏ.

Không chỉ là câu chuyện mã số vùng trồng, các Diễn giả trong sự kiện cũng kỳ vọng rằng các hợp tác xã, người nông dân hiểu hơn vai trò của mình trong chuỗi liên kết và sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm xuất khẩu mang giá trị cao.

Một khi sự liên kết bền vững sẽ hỗ trợ các DN chế biến của chúng tôi có thể chủ động về mặt công nghệ trong vấn đề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến, hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với xây dựng mã vùng trồng, gắn với xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn, hiện đại có khả năng chế biến sâu” – Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch – Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nguồn: CISED - PNCKH

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video