Hội thảo “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Nông nghiệp ĐắkLắk, Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid 19

21/10/2020

Sáng 17-10-2020, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid-19”.

Hội thảo với sự tham dự và chủ trì có ông Nguyễn Khắc Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và ông Nguyễn Tấn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng với sự tham gia: TS. Đinh Viết Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công thương - Bộ Công thương; ông Y Giang Gry Nie Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; TS. Lê Chí Phương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ; TS. Phan Việt Hà, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên; TS. Ngô Đắc Thuần, thành viên mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp Hội phân bón Việt Nam; các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tham dự.

Hội thảo thu hút hơn 500 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân; trong đó có 400 cán bộ, hội viên Hội Nông dân của 21 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Nguyễn Tấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu chào mừng

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nói chung. Trong đó, tác động lớn nhất là nông sản bị gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dẫn đến ảnh hưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân.

Quan cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và ý kiến của cán bộ, hội viên Hội Nông dân tập trung làm rõ những vấn đề về chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; công tác chế biến, phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Tại Phiên thảo luận 1, với chủ đề “Con đường Nông sản Đắk Lắk hậu Covid 19: khó khăn và định hướng phát triển” đã đánh giá được những khó khăn, các vấn đề bà con nông dân rất quan tâm như: vấn đề phân bón giả hiện nay làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con, kiểm soát giống cây trồng trong nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk cũng như bao tiêu các mặt hàng nông sản của tỉnh như: bơ, sầu riêng, mắc ca, ...các giải đáp về đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu nông sản cho bà con nông dân cũng được các nhà khoa học, lãnh đạo quản lý giải đáp, hướng dẫn để tìm đầu ra cho nông dân trong quá trình trồng trọt, định hướng phát triển.

Ông Nguyến Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT trả lời các thắc mắc, kiến nghị của nông dân

Tại Phiên thảo luận 2, với chủ đề “Công nghệ và sáng tạo trong nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk: Tiềm lực phát triển” đã nêu lên được những vấn đề về mới, hướng cho người nông dân mang lại lợi nhuận, các vấn đề về bảo hộ sử dụng sản phẩm nông sản, xây dựng mạng lưới thu mua, xuất khẩu nông sản cho bà con nông dân, từ đó ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, xuất khẩu nông sản cho vùng.

Nông dân huyện Cư Kuin nêu ý kiến về vấn đề phát triển hồ tiêu bền vững

Tại các phiên thảo luận, lãnh đạo các bộ, sở, ngành và chuyên gia đã ghi nhận và trả lời nhiều kiến nghị của nông dân về những vấn đề như: cách nhận diện phân bón thật để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng; giải pháp đối với sự phát triển bền vững cây ăn trái ở tỉnh Đắk Lắk và vấn đề xây dựng nhà máy chế biến để tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái cho nông dân; định hướng, chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch; giải pháp quản lý quy hoạch cây trồng cũng như giải quyết đầu ra cho nông sản để tránh tình trạng “chặt trồng, trồng chặt”; nông dân gặp vướng về các rào cản kỹ thuật quốc tế khi bán hàng trên các trang thương mại điện tử; nguồn gốc giống các loại cây trồng công nghiệp và cây ăn trái; giải pháp để giải quyết những vướng mắc về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP…

Phiên thảo luận 2

Hội thảo thống nhất xác định những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp sau đại dịch Covid-19 đó là: Cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, gắn với triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tổ chức phát động phong trào tiết kiệm trong toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nông dân để tạo nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp. Trước mắt, tập trung hỗ trợ, tư vấn nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông sản hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị; tạo không gian phát triển mới, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khuôn khổ của hội thảo, Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế ETC (ETC Group) và Công ty TNHH Giải pháp chất lượng GQS đã ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản với nông dân và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk.

Đại diện các doanh nghiệp và Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân tỉnh Đắk Lắk

 

Tin, ảnh: Hữu Nghĩa CISED

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video