Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2020

30/07/2019

ThS. Trần Thế Như Hiệp, ThS. Nguyễn Thị Thảo Nguyên (1), Nguyễn Ngọc Hiền, Từ Công Chánh, Nguyễn Thanh Phong (2)

(1) Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

(2) UBND huyện Vĩnh Thạnh

TÓM TẮT

Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng lao động việc làm, đào tạo nghề và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH  huyện Vĩnh Thạnh. Phạm vi nghiên cứu của đề tài trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tuy nhiên có gắn kết với mối quan hệ không gian với các địa phương lân cận và TPCT. Các nội dung thực hiện của đề tài bao gồm: biên hội, phân tích số liệu thứ cấp hiện trạng về KT-XH, lao động, việc làm và đào tạo nghề của huyện Vĩnh Thạnh; điều tra xã hội học để phân tích thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến lao động, việc làm và đào tạo nghề của huyện Vĩnh Thạnh. Đánh giá mức độ hài lòng của người lao động đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Kết hợp với phân tích cung/cầu lao động trong các lĩnh vực KT-XH của huyện đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH của huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Một số kết quả nghiên cứu của đề tài: Về hiện trạng phát triển nguồn nhân lực, (i) huyện Vĩnh Thạnh là địa bàn có thế mạnh phát triển nông nghiệp; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp nhưng chậm; (ii) cầu lao động trên địa bàn huyện rất hạn chế do các doanh nghiệp công nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động; (iii) cung lao động của huyện khá dồi dào, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, trình độ học vấn ở mức trung bình và phần lớn chưa qua đào tạo. Nguồn nhân lực hành chính công mặc dù còn thiếu so với biên chế nhưng hiện tại đáp ứng được các yêu cầu về cơ cấu ngạch bậc, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ và tin học. 

Các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực huyện Vĩnh Thạnh gồm: (i) giải pháp chung: phát huy nội lực của huyện, huy động các nguồn lực bên ngoài, giải pháp phát triển đối với lực lượng lao động xã hội và lực lượng hành chính công; (ii) giải pháp riêng để phát triển nguồn nhân lực cho các xã có tiềm năng phát triển nông nghiệp và các xã/thị trấn có tiềm năng phát triển công nghiệp, TMDV; (iii) giải pháp cho các nhóm đối tượng lao động gồm lao động trẻ, lao động nhàn rỗi không có khả năng tiếp tục học tập và đối tượng chính sách và có hoàn cảnh khó khăn. Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn huyện, kiến nghị: (i) cần phải xem công tác phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề và giải quyết việc làm là trách nhiệm chung của toàn xã hội; (ii) cần xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; (iii) tập trung công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và phát huy hiệu quả Trung tâm dạy nghề của huyện.

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video