Festival Lúa Gạo Việt Nam lần IV - Vĩnh Long 2019: Hội thảo “Điều kiện cần và đủ để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp – Trọng điểm là cây lúa – Hạt gạo Việt Nam”

16/12/2019

Hội thảo “Điều kiện cần và đủ để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp – Trọng điểm là cây lúa – Hạt gạo Việt Nam” diễn ra vào ngày 16/12/2019 tại tỉnh Vĩnh Long. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện quan trọng của Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ IV – Vĩnh Long 2019.

Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long và ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ. Quy tụ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, ngành lúa gạo nói riêng như TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; PGS. TS. Nguyễn Phú Son, Trường Đại học Cần Thơ; Ông Trần Văn Trạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long; TS. Bùi Thị Dương Khuyều, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời, cùng với hơn 200 đại biểu là đại diện doanh nghiệp, bà con nông dân, và các đại diện ở các khâu trong chuỗi cung ứng gạo tham gia Hội thảo.

Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu chào mừng

Trong phần phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh vai trò của tam nông trong chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, cụ thể “phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể” với mục đích cuối cùng là không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của dân cư nông thôn. Với chủ đề “Điều kiện cần và đủ để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp – Trọng điểm là cây lúa – Hạt gạo Việt Nam”, ông Tựu mong muốn Hội thảo sẽ nghiên cứu, thảo luận các vấn đề hiện trạng sản xuất lúa, xác định thời cơ và thách thức, điều kiện cần và đủ để sản phẩm nông nghiệp nói chung, gạo nói riêng khẳng định vị thế và vươn mình ra thế giới, làm sao để người trồng lúa làm giàu bền vững từ chính mảnh đất quê hương bằng cây lúa - hạt gạo và công sức lao động của mình.

TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ phát biểu khai mạc

Tiếp nối thành công từ ba kỳ Festival trước tại Hậu Giang, Sóc Trăng và Long An, Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ 4 2019 tại Vĩnh Long, TS. Huỳnh Văn Tùng cho rằng các cơ hội, thách thức, hệ thống chính sách, các vấn đề về logistics,… đang đặt ra những yêu cầu mới cho điều kiện “Cần” của sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt là sản xuất lúa gạo, đòi hỏi điều kiện “Đủ” cũng phải được tái cơ cấu để quy tụ các nguồn lực tốt nhất cho sự phát triển.

Liên quan đến các cơ hội mới của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL, PGS. TS. Nguyễn Phú Son cho rằng ngành hàng lúa gạo ĐBSCL đang có được các cơ hội: (1) Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA với 28 nước thành viên Châu Âu, mở ra cơ hội cho lúa gạo Việt Nam; (2) Phillipines thông qua chính sách tự do hóa ngành gạo, việc loại bỏ cơ chế hạn ngạch, thay bằng thuế nhập khẩu cũng sẽ làm tăng lượng gạo nhập khẩu vào Phillipines với giá thành thấp hơn trước; (3) Trung Quốc hạn chế nhập khẩu gạo Việt Nam bằng đường tiểu ngạch và (4) có nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước hỗ trợ cho ngành lúa gạo của ĐBSCL. Đồng thời, ngành lúa gạo Việt Nam cũng vừa đạt được các thành tựu lớn như gạo ST25 vừa được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới và một số chính sách được xem là có hiệu quả trong thời gian qua.

Thảo luận về hệ thống cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp và ngành gạo. Từ phải sang, TS. Huỳnh Văn Tùng, TS. Nguyễn Quốc Toản, PGS. TS. Nguyễn Phú Son, Ông Trần Văn Trạch, Ông Nguyễn Văn Liêm

Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, ước năm 2019 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,5 triệu tấn, tăng 400 nghìn tấn so với năm 2018, đây là thành quả rất đáng tự hào về kết quả xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, hạn chế vấn đề tiểu ngạch và tiến dần tới xuất khẩu chính ngạch. Xu hướng này đi kèm với các yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo ông Toản, duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa là điều cần thiết, trong đó tập trung tăng cường các biện pháp để tận dụng hiệu quả các chính sách hiện có và các nguồn lực để nâng cao chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước chuyển dịch quan điểm trong  sản xuất, cũng như trong quản lý nông nghiệp trong điều kiện mới, trong đó  doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong sản xuất – chế biến sản phẩm sau gạo. Về logistics, một trong những điểm ĐBSCL còn yếu là hệ thống kho lạnh và hệ thống chợ đầu mối với vai trò trung chuyển còn thiếu, cơ sở hạ tầng dịch vụ.

 Thảo luận về hoàn thiện chuỗi cung ứng gạo. Từ phải sang, PGS. TS. Nguyễn Phú Son, TS. Nguyễn Quốc Toản, Ông Trần Văn Trạch, Ông Nguyễn Văn Liêm, TS. Bùi Thị Dương Khuyều

Trao đổi của Đại biểu tham dự

Bà con nông dân tham dự hội thảo

Kết quả từ 2 phiên thảo luận, một số điểm nhấn giải pháp đưa ra bao gồm, thực thi các chính sách phát triển đã đạt được hiệu quả trong thời gian qua; hiểu đầy đủ thông tin thị trường; quản lý giống; liên kết trong sản xuất để mở rộng diện tích sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ chất lượng, tăng thu nhập cho bà con nông dân và phát triển bền vững.

Tin, Ảnh: TỐ LOAN

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video