Dự án Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp giúp cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn quận Thốt Nốt thoát nghèo và nâng cao thu nhập giai đoạn 2015–2020

25/07/2019

Tác giả: ThS. Trần Thế Như HIệp và các cộng sự

Đơn vị tư vấn: Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

Đơn vị chủ quản: UBND quận Thốt Nốt

Năm thực hiện: 2018

TỔNG QUAN DỰ ÁN

Hiện nay, quan niệm về nghèo được đưa ra tại Hội nghị về chống nghèo ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do ESCAP[1] tổ chức tháng 9/1993 tại Bangkok, là quan niệm được thừa nhận rộng rãi: “Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người, mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế xã hội và phong tục tập quán của địa phương”. Quan niệm về nghèo như trên xuất phát từ việc tiếp cận thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, mặc, học hành, khám chữa bệnh, nhà ở,….; sự thiếu hụt một hoặc một số các nhu cầu đó được coi là nghèo. Trên cơ sở khảo sát kinh nghiệm của một số quốc gia, các tổ chức quốc tế, các chia sẻ kinh nghiệm tại các hội thảo cũng như những đóng góp của các Bộ liên quan tại “Hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu ban đầu về phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều ở Việt Nam”[2] cho thấy, chuẩn nghèo mới dự kiến sẽ xem xét dựa trên 5 chiều gồm: y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội.

Về thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam, Chính phủ đã phát động chương trình Xóa đói giảm nghèo cùng với lời kêu gọi của Ngân hàng Thế giới vào đầu thập niên 1990. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ nghèo đã giảm liên tục trong vòng hai thập kỷ, từ 58% (1993) xuống còn 37,4% (1998), 28,9% (2002), 16% (2006) và 14,5% (2008), nhờ đó mà khoảng gần 30 triệu người đã thoát nghèo trong giai đoạn này. Đây là thành tựu rất ấn tượng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả mới nhất, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 là 7,8% (giảm 1,8% so với cuối năm 2012), tỷ lệ hộ cận nghèo 6,32% (giảm 0,25% so với cuối năm 2012).

Mặt dù nước ta đã đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và kết quả giảm nghèo khả quan, song vẫn còn tồn tại  tình trạng nghèo cùng cực ở một số vùng. Trên diễn đàn Quốc hội Việt Nam, rất nhiều đại biểu cho rằng tỷ lệ hộ nghèo giảm không phản ánh thực chất vì số người nghèo trong xã hội không giảm, thậm chí tăng do tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế, nhiều hộ gia đình có khả năng tái nghèo. Giữa các vùng cũng còn nhiều sự chênh lệch, theo thông cáo báo chí của Tổng Cục Thống kê, bên cạnh tỷ lệ nghèo còn thấp (8,6%) của khu vực thàn thị, thì khu vực nông thôn là 21,2% (cứ 5 hộ vẫn còn trên 1 hộ nghèo); vùng ĐBSCL, vựa lúa của cả nước có tỷ lệ hộ nghèo là 15,3%, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung cả nước. Năm 2014, kết quả phân tích nghèo đa chiều (Bộ LĐTB&XH) được điều tra ở tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, dựa trên các tiêu chí như giáo dục, y tế, việc làm, tài sản, điều kiện nhà ở, thu nhập,...cho thấy: nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình nông thôn có tỷ lệ cao hơn người Kinh và gia đình khu vực thành thị, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất, trong đó, nghèo thu nhập chỉ là một trong số nhiều thiết hụt mà người nghèo phải đối diện.

Thành phố Cần Thơ từ khi được tách ra để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2004), quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tương quan trong cơ cấu dân số biến đổi theo hướng gia tăng dân số thành thị, giảm dần dân số nông thôn (năm 2005: thành thị 50,03% - nông thôn 49,97%, năm 2013: 66,46% - 33,54%).  Trong giai đoạn 2005 - 2014 thành phố Cần Thơ đã đạt nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo. Cụ thể, 41.299 hộ thoát nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 của thành phố còn 2,95%, trong đó có 781 hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 9,02%. Bình quân mỗi năm giảm 1,20% tỷ lệ hộ nghèo và 2,25% tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng trong giai đoạn này, thành phố đã xây dựng và nhân rộng 41 mô hình giảm nghèo với 364 hộ tham gia và kinh phí là 4.973 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi. Riêng năm 2013, thực hiện theo Công văn số 1307/UBND-VX ngày 29/3/2013 của UBND thành phố Cần Thơ về "Triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững năm 2013" nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo về vay vốn từ nguồn tín dựng ưu đãi để phát triển chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt, mua bán nhỏ,... hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững. Có 07/09 quận, huyện tham gia thực hiện mô hình, với tổng số 19/34 mô hình được áp dụng, 12 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; 04 mô hình mua bán nhỏ; 01 mô hình liên doanh liên kết; 01 mô hình trồng trọt; 01 mô hình tiểu thủ công nghiệp với 189 hộ nghèo tham gia và kinh phí thực hiện là 3.160 triệu đồng.

Mặt tích cực của các mô hình giảm nghèo trên địa bàn thành phố Cần Thơ là các hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, sử dụng đồng vốn đúng mục đích ban đầu, chí thú làm ăn, cần cù và sáng kiến trong lao động, chuyển biến nhận thức, tìm tòi phương thức và có ý chí vươn lên thoát nghèo; mức sống được cải thiện nhờ tăng thu nhập từ mô hình (một đến 2 lần). Cụ thể: mô hình nuôi heo có lợi nhuận từ 1 - 1,6 triệu đồng/con từ 4 - 5 tháng; mô hình nuôi bò có lợi nhuận từ 4,5 - 16 triệu đồng/cặp từ 5 - 14 tháng;... Mỗi mô hình giải quyết được từ 01 - 02 lao động trong hộ gia đình, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Ngược lại, những hộ nghèo ứng dụng mô hình không đạt hiệu quả xuất phát từ các nguyên nhân như sử dụng vốn chưa hiệu quả (vốn mô hình chưa cân xứng với vốn vay, sử dụng chưa đúng mục đích); nhiều hộ chưa mạnh dạng áp dụng mô hình; các yếu tố về kỹ thuật, đầu vào, cách thức quản lý mô hình,... còn nhiều hạn chế nên mô hình không đạt hiệu quả ứng dụng cao. Ngoài ra, "nghèo đa chiều" cũng là một nguyên nhân quan trọng  dẫn đến tình trạng không thoát nghèo hoặc thoát nghèo không bền vững, đó là trình độ thấp, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu lao động, thiếu vốn và các rủi ro khác. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, các cấp trong việc ứng dụng các mô hình giảm nghèo còn hạn chế; chưa có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng.

Quận Thốt Nốt thuộc “Tiểu vùng 2”[3], đang trong quá trình đô thị hóa (cùng với quận Ô Môn và huyện Phong Điền) chuyển đổi từ nông thôn sang thành thị, tỷ lệ dân cư đô thị tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - TM&DV - nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 59,5 triệu đồng/người, đứng thứ hai sau quận Ninh Kiều (71,0 triệu đồng/người) và có khoảng cách khá xa so với các quận/huyện còn lại. Trong tương lai, các hoạt động phi nông nghiệp sẽ ngày càng chủ yếu, tuy nhiên, ở đây vẫn tồn tại các hoạt động nông nghiệp nhưng ngày càng được hiện đại hóa theo hướng ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp đô thị (TS. Trần Thu Hòa, 2014). Tính đến thời điểm tháng 6/2014, số hộ nghèo của quận Thốt Nốt là 1.515/38.922 hộ dân (3,89%), có tỷ lệ khá cao so với các quận đô thị của thành phố Cần Thơ (sau Ô Môn 6,89%). Kết quả khảo sát của phòng Kinh tế quận Thốt Nốt năm 2014 cho thấy đa phần các hộ nghèo đều rơi vào tình trạng "nghèo đa chiều", đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy quận Thốt Nốt còn khoảng cách giàu nghèo khá lớn, UBND quận Thốt Nốt cũng đã xây dựng Kế hoạch 60/KH-UBND ngày 16/12/2012 về tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 16/02/2011 của UBND thành phố Cần thơ nhằm nhanh chống thu hẹp khoảng cách yếu kém, chậm phát triển về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số.

 Do đó, để khắc phục những hạn chế của các mô hình giảm nghèo đã được ứng dụng, thực hiện dự án “Xây  dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn quận Thốt Nốt thoát nghèo và nâng cao thu nhập giai đoạn 2015 - 2020” là việc làm cấp thiết nhằm gia tăng tính hiệu quả của các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu của dự án

Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo bền vững và tăng thu nhập góp phần thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo và phát triển nông thôn ở thành phố Cần Thơ.

Mục tiêu cụ thể:

- Phân tích hiện trạng các mô hình sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững làm cơ sở phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp phù hợp với các nguồn lực sản xuất và có sự tham gia của hộ gia đình nghèo, cận nghèo gắn kết với các chương trình hỗ trợ vốn sản xuất của quận Thốt Nốt và thành phố Cần Thơ;

- Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa phương, năng lực tự quản của cộng đồng và tăng cường các hoạt động hỗ trợ, kết hợp với các tổ chức đoàn thể và hệ thống khuyến nông;

- Đề xuất các mô hình sản xuất hiệu quả mang lại thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững và đúc kết cơ sở lý luận phát triển kinh tế hợp tác phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

KẾT QUẢ DỰ ÁN

Thiết kế các mô hình sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp

Can thiệp nâng cao năng lực cộng đồng

Phát triển kinh tế hợp tác

Đánh giá hiệu quả và giải pháp nhân rộng mô hình

(Thông tin chi tiết tại:

http://cids.org.vn/com_contact/contact.htm)


[1] ESCAP: United Nations Economic and Social Commission for Asia anh the Pacific (Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương)

[2] Hội thảo diễn ra vào ngày 19/9/2014 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.

[3] Phân hóa không gian đô thị

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video