Đồng hành cùng doanh nghiệp và kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày 17/7/2020, Lãnh đạo Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ tham dự và có chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Cần Thơ tại Hội thảo được tổ chức ở thành phố Đà Nẵng với chủ đề: “Đồng hành cùng doanh nghiệp và kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm tham vấn các địa phương về những thách thức, kết quả và định hướng cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam, cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục trong thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020.
Hội thảo do ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, cùng với sự tham gia của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Quản lý chương trình cao cấp, Phòng phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước, USAID; PGS. TS. Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ; Ông Tô Văn Hiệp, Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng; Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; cùng với đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố tham dự.
TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW
Về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020
Một số điểm trọng tâm của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 là tiếp tục cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới; nâng cao chất lượng cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, tiếp tục cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp và yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, ngày càng có nhiều địa phương quan tâm chú trọng tới cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: nâng hạng Chỉ số PCI, hay xây dựng các bộ chỉ số mới nhằm đánh giá hiệu quả thực thi hành chính công vụ của các sở, ngành (ví dụ như Chỉ số DDCI). Song song đó, doanh nghiệp ngày càng tham gia tích cực hơn vào công cuộc cải cách môi trường kinh doanh như chia sẻ thông tin, phản ánh vấn đề, thảo luận chính sách,…và cải cách môi trường kinh doanh có sự tham gia, đồng hành của nhiều bên.
ThS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM.
Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ và các cơ quan Trung ương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19. Tuy nhiên, để các chính sách mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, các địa phương cần tiếp tục nhận diện các mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật và kiến nghị cụ thể giải pháp khắc phục và trình tự các bước thủ tục liên quan, cũng như tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp năm 2020, từ cải cách gia nhập thị trường chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được Quốc Hội thông qua tại kỳ hợp thứ 9 ngày 18/6/2020. Luật được soạn thảo dựa trên nguyên tắc và mục tiêu nhằm nâng cao khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp để đạt chuẩn mực thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN-4. Theo ông Phan Đức Hiếu, Luật có 5 thay đổi quan trọng là: (1) cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; (2) nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; (3) nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; (4) thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn; (5) tạo thuận lợi hơn cho tổ chức và mua bán doanh nghiệp.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Cần Thơ và định hướng tiếp tục cải cách
Môi trường đầu tư kinh doanh Cần Thơ được cải thiện cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cần Thơ là 68,38 điểm, xếp hạng 11/63 tỉnh/thành phố trong cả nước, đứng thứ 05/13 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Tốt”. Trong đó, có 08/10 chỉ số thành phần được cải thiện so với năm 2018. So với kết quả PCI năm 2018 (có 06/10 chỉ số giảm điểm), thì năm 2019 điểm số đã có sự cải thiện rõ rệt, cho thấy trong thời gian qua thành phố đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI thành phố, vị trí xếp hạng từ năm 2015 đến nay vẫn duy trì tốt và điểm tổng hợp tăng qua từng năm; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) công bố hàng năm đều đạt số điểm nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất cả nước, năm 2019 xếp thứ 08/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chỉ số cải cách hành chính năm 2018 đạt 81,1 điểm, xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố; Cần Thơ nằm trong 20 địa phương dẫn đầu về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT INDEX).
TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ
Theo đó, TS. Huỳnh Văn Tùng chia sẻ một số định hướng tiếp tục cải cách. Một là, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu, tạo lập và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tận dụng cơ hội từ lòng tin của quốc tế dành cho Việt Nam trong công tác phòng chống COVID-19 và phát triển kinh tế; Hai là, rà soát và tận dụng các cơ hội từ Luật Đầu tư, đặc biệt là hình thức công – tư (PPP) trong việc cung cấp dịch vụ công trong y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Ba là, hình thành các sàn giao dịch trực tuyến như: bất động sản, hàng hóa, công nghệ, giao dịch xuyên biên giới,… sẽ đóng góp rất lớn cho cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh thông qua việc minh bạch các thông tin đầu vào, cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan (quy hoạch, chính sách,…) và dần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp theo hướng đảm bảo lợi ích của cả phía cung và cầu; Bốn là, nhanh chóng tận dụng các nguồn lực cho đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh; Năm là, đồng bộ các nền tảng cho cải cách hành chính từ Trung ương đến địa phương.
Hội thảo còn có những chia sẻ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương khác của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Theo Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, USAID sẽ bổ sung hỗ trợ 5 triệu USD giúp Việt Nam khôi phục sản xuất kinh doanh hậu COVID-19 và trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Từ phải sang, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Ông Tô Văn Hiệp, Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng
TS. Huỳnh Văn Tùng và nhóm công tác của Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ
Toàn cảnh Hội thảo
Tin, ảnh: Tố Loan CISED.
Các tin khác
Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.