Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư hơn 22 tỷ USD từ nguồn vốn FDI

11/08/2019

Kết quả này được bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc VCCI, Chi nhánh Cần Thơ thông tin tại Hội nghị đón đoàn doanh nghiệp nhập khẩu Singapore và các nước vào Việt Nam giao dịch mua hàng tại TP Cần Thơ, vào chiều ngày 6-8.

Đoàn công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tại Singapore và Malaysia của TP. Cần Thơ

khảo sát Trung tâm Thành phố đáng sống tại Singapore. (Ảnh: Báo Đầu Tư Online)

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019, cả vùng ĐBSCL có 4.704 doanh nghiệp thành lập mới và 1.313 doanh nghiệp quay lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 50.000 doanh nghiệp; kim ngạch xuất khẩu của vùng là 8,74 tỷ USD, kim ngạch nhập là 4,59 tỷ USD.

Đến tháng 6 năm 2019, ĐBSCL đã thu hút được 1.609 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 22,3 tỷ USD. Riêng TP Cần Thơ, lũy kế đến tháng 5-2019, thành phố có 82 dự án FDI, tổng vốn đầu tư khoảng 719,95 triệu USD. Các dự án do các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ, Đức, Nhật..., đầu tư. Trong đó, đối tác Singapore có 10 dự án FDI đầu tư vào thành phố Cần Thơ với tổng vốn đăng ký khoảng 129,24 triệu USD.

Theo bà Trang, kinh tế (gồm nông nghiệp, kinh tế biển, công nghệp chế biến thực phẩm và may mặc); tài nguyên, điều kiện tự nhiên, con người (gồm đất đai phì nhiêu, nhiều giá trị canh tác…); vị trí địa lý (với chiến lược là trung tâm của vùng Đông Nam Á…) là 3 yếu tố tiềm năng của vùng ĐBSCL, vì vậy tổng mức bán lẻ luôn tăng trưởng tốt và chiếm tỷ trọng cao. Riêng TP Cần Thơ và tỉnh An Giang vẫn có tổng mức bán lẻ lớn nhất vùng.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của vùng trong 6 tháng đầu năm 2019 là 7,53%. Trong đó, 3 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu là có mức tăng trưởng tốt nhất vùng ĐBSCL.

Bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, thuộc Bộ Công thương, cho biết ASEAN là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm. Trong đó, Singapore và Malaysia là hai nước thành viên của ASEAN, là những đối tác thương mại đầu tư lớn với Việt Nam.

Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đạt 56,29 tỷ USD. "Quý 1-2019, thị trường ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch đạt 6,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt đạt 8,2 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ".

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Singapore và Malaysia, theo bà Thủy, việc tổ chức đón đoàn doanh nghiệp của hai quốc gia này sang thành phố Cần Thơ tìm hiểu tiềm năng, cơ hội hợp tác làm ăn cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu nêu trên.

Theo SGGP

(https://tintuc.vn/dbscl-duoc-dau-tu-hon-22-ty-usd-tu-nguon-von-fdi-post1076172)

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video