Điểm mới về quy tắc xuất xứ hàng hóa giao thương ASEAN - Trung Quốc

17/08/2019

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (ACFTA) với nhiều điểm mới so với trước đây. Cụ thể, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12-9.

Ngoài tiêu chí "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC), quy tắc chung áp dụng thêm tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số (CTH); quy định về De Minimis (tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa); nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế được cho nhau.

Thủy sản là một trong những nhóm mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Ảnh minh họa: TTXVN

Về thời hạn trả lời, kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa, trong trường hợp cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu không trả lời trong thời hạn 90 ngày sau ngày nhận được thư đề nghị xác minh của cơ quan hải quan nước nhập khẩu, cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu có thể gửi văn bản đề nghị gia hạn thêm 90 ngày.

Bên cạnh quy tắc xuất xứ chung, quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) được xây dựng trên Phiên bản HS năm 2017, bổ sung tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với nhiều dòng hàng.

Trước đó, ngày 21-11-2015, Bộ trưởng các nước thành viên Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký Nghị định thư sửa đổi ACFTA tại Malaysia.

Sau khi ký Nghị định thư sửa đổi ACFTA, các nước thành viên tiếp tục đàm phán Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) và tiến hành chuyển đổi PSR sang Phiên bản HS 2017.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo doanh nghiệp nên tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là thực phẩm, nông sản... bởi đây là các mặt hàng thường được kiểm soát chặt chẽ.

Thương vụ Đại sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) với mức thuế cơ bản là 0% và Trung Quốc đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh.

Theo Thesaigontimes.vn

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video