Đề tài Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định giá thành sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ

30/07/2019

Tác giả: ThS. Trần Thế Như Hiệp (*) và các cộng sự

(*) Nghiên cứu Viên, Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

Đơn vị tư vấn: Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

Đơn vị chủ quản: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ

TÓM TẮT

Đề tài vận dụng các quan điểm kinh tế học và tổ chức sản xuất ngành hàng để nhận diện, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất lúa, giá thành sản xuất lúa và những vấn đề phát sinh trong điều tiết vĩ mô liên quan đến chính sách giá sàn để đề xuất giải pháp gia tăng hiệu quả sản xuất và lợi nhuận của người dân sản xuất lúa ở Cần Thơ. 

Kết quả nghiên cứu ghi nhận một số thông tin tiêu biểu sau:

+ Thu nhập từ trồng lúa vẫn được xem là thu nhập chính nhưng có phần sụt giảm (chỉ chiếm khoảng 50%) trong cơ cấu thu nhập chung của hộ do hộ đồng thời thực hiện nhiều hoạt động để tạo ra thu nhập. Chỉ riêng hoạt động trồng lúa, thu nhập hộ trồng lúa ba vụ đạt 185,15 triệu đồng/ha/năm, đối với hai vụ là 70,16 triệu đồng/ha/năm và một vụ lúa là 68 triệu đồng/ha/năm.

+ Hiệu quả kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất lúa, tăng hiệu quả kỹ thuật sẽ làm giảm giá thành. Các chỉ số hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối và hiệu quả kinh tế từ số liệu điều tra chưa cao, do người dân sử dụng các yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) chưa hợp lý so với khuyến cáo.

+ Kết quả hạch toán từ số liệu điều tra trực tiếp luôn có xu hướng cao hơn giá thành tính toán dựa trên số liệu điều tra năm trước và CPI năm hiện tại (cụ thể mức độ chênh lệch ở các vụ Đông Xuân 2011-2012, Hè Thu 2012 và Thu Đông 2012 tương ứng là 40 đồng/kg, 701 đồng/kg và 299 đồng/kg). Cách tính giá thành theo hướng dẫn của Thông tư 171 vẫn còn thiếu hụt so với chi phí người dân đã bỏ ra, chưa thật sự chưa đảm bảo quyền lợi của người trồng lúa.

+ Kết quả hồi quy dự báo giá thành ghi nhận các biến số có đóng góp quan trọng bao gồm lượng giống gieo sạ, số ngày công lao động gia đình, số ngày công lao động thuê, lượng phân đạm, lượng phân lân, lượng phân kali, hiệu quả kỹ thuật và chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Có hai biện pháp quan trọng có thể can thiệp làm giảm giá thành sản xuất lúa là (i) tăng các chỉ số hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và hiệu quả phân phối đối với các nguồn lực nhằm giảm chi phí đầu vào và (ii) tăng cường các biện pháp giảm thất thoát, nghiên cứu giống mới để tăng năng suất.

(Thông tin chi tiết tại: http://cids.org.vn/com_contact/contact.htm)

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video