Để làm ăn với ‘người khổng lồ’: Minh bạch nguồn gốc

17/09/2019

“Hội thảo tập huấn kết nối mua nông sản, thực phẩm vào các chuỗi phân phối nước ngoài cho các doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long” mới đây tại tỉnh Bến Tre, cho thấy sản xuất trong nước chưa sẵn sàng chuyển đổi để thích ứng…

Ông Fukui Tomoaki, tổng quản lý cấp cao bộ phận sản phẩm, cho biết năm 2019 – 2020, Aeon sẽ mở ba chuỗi cửa hàng tại Hà Nội và Hải Phòng. Ảnh: Thegioihoinhap.vn

Tháng 6/2019, khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Yasutsugu Iwamura, giám đốc điều hành AEON Nhật Bản, kiêm tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam, cam kết tập đoàn bán lẻ này sẽ tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020.

Con số này có thể sẽ tăng lên mức 1 tỷ USD vào năm 2025. Trong năm 2018, tổng giá trị hàng hoá mà Aeon nhập khẩu từ Việt Nam để bán tại các siêu thị của tập đoàn này ở Nhật Bản, đạt khoảng 250 triệu USD. Không chỉ Aeon, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Central Group, Walmart, Big C… cũng mong muốn tiếp cận nguồn nông sản phong phú tại Việt Nam.

Họ đã tập hợp được nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ sản xuất, các nhà cung ứng, mở nhiều hội thảo, cử người xuống tận các trang trại đánh giá quy trình sản xuất. Thế nhưng, câu chuyện về chất lượng, số lượng và quản lý sản xuất minh bạch vẫn là rào cản lớn, khiến nông sản khó lên kệ của những “người khổng lồ” về bán lẻ này.

Đầu ra rộng mở

GO! và Big C Việt Nam là thành viên của Central Group, có hệ thống phân phối rộng lớn với 37 cửa hàng tại 22 tỉnh, thành phục vụ hơn 70 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Tại hệ thống GO! và Big C, khách hàng ưa chuộng nông sản, thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền và có thể truy xuất được nguồn gốc. Ông Pierre Bertholat, giám đốc điều hành mảng thực phẩm bán lẻ GO! và Big C Việt Nam, cho biết qua một năm triển khai liên kết tiêu thụ nông sản, Central Group có 75 HTX là đối tác cung cấp hàng hoá cho hệ thống bán lẻ của tập đoàn. Chương trình thu mua nông sản trực tiếp từ các hộ nông dân và HTX với chiết khấu 0%, tạo điều kiện để các sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, qua kênh phân phối bán lẻ thực phẩm của Central Group, sẽ giúp cải thiện đời sống của hơn 6.000 nông dân Việt Nam.

Theo thống kê gần đây của FDA, Việt Nam từng có 1.485 cơ sở được FDA cấp phép kinh doanh hợp lệ, nhưng nay 679 cơ sở bị huỷ mã số, do không đăng ký lại hoặc không đúng thủ tục. Ông Marcus Lithalangsy, giám đốc thu mua đồ da và thực phẩm tập đoàn Walmart, lấy làm tiếc, nói: “Hãy nhớ chúng tôi luôn theo đuổi tiêu chuẩn cao nhất”. Walmart công khai thông tin về nhà cung cấp, sản phẩm, cơ sở ở từng nước xuất xứ.

Đòi hỏi khắt khe

Muốn trở thành nhà cung cấp cho Walmart, cần lưu ý bảy điều kiện: 1/ Truy xuất nguồn gốc; 2/ Thông tin minh bạch về chất lượng. Chất lượng được đặt lên hàng đầu; 3/ Khách hàng là trọng tâm; 4/ Tôn trọng tính cá nhân; 5/ Luôn cải thiện sản phẩm; 6/ Tính sáng tạo trong sản phẩm; 7/ Trách nhiệm xã hội và ý thức bảo vệ môi trường.

“Nếu các bạn tham gia hệ thống với chúng tôi, các bạn sẽ luôn ở trong tâm thế sẵn sàng đối diện các cuộc kiểm tra bất cứ lúc nào. Do đó, các bạn phải luôn duy trì, lưu trữ hồ sơ và tài liệu đầy đủ để chứng minh sự tuân thủ của các bạn”, ông Marcus Lithalangsy nói. “Chúng tôi luôn tôn trọng tính cá nhân trong sản phẩm.Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhà cung cấp của mình cũng tôn trọng người làm ra nông sản, từ người nông dân cho tới lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, chế biến”. Walmart đánh giá cao những đơn vị chuyên nghiệp, công bằng trong tuyển dụng, đánh giá năng lực nhân viên và khuyến khích yếu tố đổi mới sáng tạo, có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường và không sử dụng lao động trẻ em…

Khi bên thứ ba đến kiểm tra, giám sát sự trung thực, công bằng, hoạt động có đạo đức là những thứ mà Walmart cần. Với Walmart, họ tuyệt đối không tặng quà, chiêu đãi cho nhân viên của bên thứ ba.

“Chúng tôi không chấp nhận hối lộ, tham nhũng và sản xuất phi đạo đức dưới mọi hình thức, trong mọi giao dịch và sẽ đánh giá rất thấp những đối tác hối lộ. Tất cả hành vi đút lót sẽ được ghi lại trong báo cáo. Vì vậy, nhà cung cấp nên thay đổi suy nghĩ theo hướng cung ứng có trách nhiệm, không phải khi làm ăn với Walmart mà với bất cứ ai cũng vậy,” ông Marcus Lithalangsy nhấn mạnh.

Đối với Aeon, là hệ thống bán lẻ lớn nhất và lâu đời nhất tại Nhật Bản, ông Fukui Tomoaki, tổng quản lý cấp cao bộ phận sản phẩm, cho biết năm 2019 – 2020, Aeon sẽ mở ba chuỗi cửa hàng tại Hà Nội và Hải Phòng. Aeon đến từng nhà máy kiểm tra xem môi trường làm việc an toàn, nhân quyền của những người làm việc tại nhà máy sản xuất có được bảo đảm, nhà máy có quan tâm đầy đủ đến môi trường hay không?

Có năm cam kết cần thực hiện khi muốn là nhà cung ứng cho chuỗi hệ thống này: 1/ Coi trọng ý kiến phản hồi của khách hàng và điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp; 2/ Sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường; 3/ Hiển thị thông tin cần thiết theo cách dễ hiểu; 4/ Giá tốt; 5/ Giao hàng đúng hẹn.

Ngoài ra, ông Fukui Tomoaki còn yêu cầu sản phẩm cung cấp cho Aeon phải đảm bảo: 1/ Không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm…; 2/ Quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn tuỳ sản phẩm (ISO, HACCP…); 3/ Sẵn sàng để Aeon tới đánh giá nhà máy.

Quy chế đánh giá nhà máy của Aeon có 145 điều khoản. Trong đó, về vệ sinh an toàn thực phẩm có 145 điều; GPMs có 65 điều; phân tích mối nguy có 30 điều. Tất cả sẽ do nhân viên chuyên trách của Aeon thực hiện.

Về tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu, hoá chất nông nghiệp, phải tuân thủ tiêu chuẩn của Nhật Bản. Các tiêu chuẩn có thay đổi (thường xuyên hoặc không thường xuyên), sẽ được thông báo, hoặc đối tác có thể tự truy cập trên mạng để cập nhật thông tin.

“Việt Nam có khoảng mười doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, thuỷ sản sang Aeon Nhật Bản, con số này chưa nhiều so với tiềm năng”, ông Fukui Tomoaki cho rằng, số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Truy xuất nguồn gốc là điều luôn bắt buộc, và nhất là nhà cung cấp cần hiểu về nơi muốn xuất hàng.

Do không có vùng nguyên liệu tập trung, nên bưởi có chất lượng tốt thường không nhiều, khó thu mua với số lượng lớn. Ảnh: Hoàng Lan.

Vẫn chưa sẵn sàng

“Cái hay của các bán lẻ nước ngoài là khi họ đã đồng thuận, thì sự liên kết rất mạnh. Họ hỏi mình đang làm sản phẩm gì, cần gì… sau đó các chuyên gia, nhà cung cấp thiết bị đến tận nơi xem có đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu của nước họ không? Và nên dùng máy móc thiết bị nào là phù hợp, cách trồng như thế nào là đúng quy cách… Làm với thị trường châu Âu thì ghi chép, truy xuất nguồn gốc rất quan trọng. Còn làm với Trung Quốc thì cứ thu hoạch rồi lên xe và đi, nhưng rủi ro cao lắm”, ông Đỗ Trọng Khải, giám đốc công ty CHM Agrico, có 20ha chanh dây và hơn 100ha khoai lang tím Nhật, trồng tại Dăk Lăk, nhận xét.

Cái khó nhất mà ông Khải đang vướng là khâu bảo quản sau thu hoạch và chi phí vận chuyển quá cao. Giá bán 1kg chanh dây 45.000 đồng, nhưng chi phí vận chuyển bằng máy bay lên tới 85.000 đồng. Tháng 9/2019, ông sẽ theo đoàn Central Goup sang Thái Lan dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, để tìm kiếm cơ hội. Lâu nay, ông chỉ tập trung thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bảy, giám đốc HTX bưởi da xanh Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nói: sau buổi kết nối, bên Central Group đặt vấn đề tăng sản lượng cung ứng từ 500kg lên 1 – 2 tấn/tháng cho Big C, giá ổn định từ 50.000 – 60.000 đồng/kg tuỳ thời điểm.

HTX có 50 thành viên, diện tích 40ha. Sản lượng cung ứng ra thị trường 200 tấn/năm, tất cả cung ứng cho các vựa trái cây trên TP.HCM và các siêu thị, cửa hàng sạch và bán cho lái. Bà con mình trồng diện tích nhỏ lẻ, manh mún, vấn đề giống và quy trình chăm sóc không đồng nhất, đang là mối lo ngại cho các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Do không có vùng nguyên liệu tập trung, nên bưởi có chất lượng tốt thường không nhiều. “Nếu muốn xuất khẩu thì phải ứng dụng kỹ thuật canh tác theo hướng chất lượng và an toàn, đủ số lượng, chất lượng. Mua hàng của bà con thì đâu phải nói mốt giao cho công ty thì hôm nay mình cắt là được, phải có thời gian trữ, đủ số lượng mới xuất đi. HTX được hỗ trợ làm tiêu chuẩn GlobalG.A.P. để xuất hàng đi EU trong quý 3 năm nay. Nếu được đầu tư bài bản thì tỷ lệ bưởi xuất khẩu đạt  70 – 80%. Suy cho cùng, HTX vẫn còn yếu khâu sơ chế, kho bãi, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch”, ông Bảy thừa nhận.

Theo Thegioihoinhap.vn

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video