Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố Công nghiệp trước năm 2020
Tác giả: Nguyễn Trọng Cường (Nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ); PGS. TS. Võ Thành Danh (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ) và các cộng sự
Đơn vị tư vấn: Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ
Đơn vị chủ quản: UBND thành phố Cần Thơ
Năm thực hiện: 2017
Giới thiệu Đề án
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ (TPCT) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới. Vị thế, tiềm lực kinh tế của thành phố chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bước đầu hội nhập với khu vực và thế giới. Khi TPCT trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế xã hội của thành phố đã có những thay đổi đáng kể, đô thị được chỉnh trang theo hướng hiện đại, quan hệ quốc tế được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, mối quan hệ tác động qua lại giữa TPCT và các tỉnh trong vùng ngày càng phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt. Để TPCT tiếp tục phát triển trong thời kỳ hội nhập, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển TPCT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó xác định: TPCT phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, diện mạo của một thành phố công nghiệp từng bước được hình thành. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp (như GDP/người, tỷ trọng công nghiệp chế tác, lao động phi nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, ...) cho thấy TPCT chỉ mới ở thời kỳ khởi đầu công nghiệp hóa. Giá trị gia tăng (tính theo GRDP) của khu vực II trên địa bàn TPCT năm 2013 là 19.192 tỷ đồng, chiếm 31,3% GRDP. Theo ước tính của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPCT, giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực II là 4,0%/năm và chiếm cơ cấu 30,6% GRDP vào năm 2015. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng xác định đến 2020 tỷ trọng khu vực II chỉ đạt 31,2% (so với 61,7% của khu vực III) và tăng trưởng 7,3%/năm (so với 8,1%/năm của khu vực III). Điều này cho thấy, mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp của TPCT sẽ đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn nhất là trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020 là còn rất ngắn.
Xuất phát từ thực tế trên, để đạt được mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, TPCT cần phải tăng cường tính chủ động và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội gắn với tái cơ cấu ngành công nghiệp, cụ thể tại Quyết định số 3072/QĐ-UBND ngày 21/10/2015, Ủy ban nhân dân TPCT đã phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí ”Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”, trên cơ sở xác định bộ tiêu chí của một thành phố công nghiệp.
Sự cần thiết phải xây dựng Đề án
Đề án được thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu TPCT phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá, là trung tâm vùng ĐBSCL với vị trí là thành phố công nghiệp, dịch vụ, văn minh, hiện đại. Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng và đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; ưu tiên phát triển các dự án có công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ, sử dụng nhiều lao động, thân thiện với môi trường; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới quản trị, đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, hình thành các tổ chức hợp tác, liên kết phù hợp, đa dạng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ sản phẩm nông nghiệp,...v.v. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc… và cùng với việc hình thành khối AEC vào cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi TPCT phải tiếp tục hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp, đáp ứng các yêu cầu sau:
(i) yêu cầu của Trung ương theo NQ 45-NQ/TW và của địa phương theo NQ Đại hội Đảng bộ TPCT: phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng;
(ii) nâng cao trình độ phát triển của TPCT với vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL;
(iii) phát huy đầy đủ tiềm năng và lợi thế của TPCT hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế tri thức, gia tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong nền kinh tế xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh;
(iv) đúc kết thực tiễn phát triển của TPCT và bài học kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đang công nghiệp hóa trong nước và quốc tế để xây dựng bộ tiêu chí thành phố công nghiệp của TPCT và lộ trình thực hiện các tiêu chí đến năm 2020.
Căn cứ pháp lý
Các căn cứ pháp lý để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án:
+ Nghị quyết số 45 – NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TPCT trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
+ Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 20/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45 – NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TPCT trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
+ Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 4/5/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu kỳ (2011 – 2015) của TPCT;
+ Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020;
+ Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch chung TPCT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
+ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPCT đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
+ Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035;
+ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPCT lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020;
+ Quyết định số 3072/QĐ-UBND ngày 21/10/2015 của Ủy ban nhân dân TPCT về phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện đề án “xây dựng TPCT cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”;
+ Và các căn cứ pháp lý khác: Quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch sử dụng đất, các kết quả điều tra cơ bản, khảo sát và hệ thống số liệu, tài liệu liên quan.
Mục tiêu xây dựng Đề án
Xây dựng Đề án nhằm phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế và huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, môi trường để TPCT cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 theo tinh thần của Nghị quyết 45-NQ-TW.
Mục tiêu cụ thể
Để đáp ứng mục tiêu tổng quát, Đề án cần đạt các mục tiêu cụ thể như sau:
(1) Đánh giá thực trạng kinh tế xã hội, phát triển công nghiệp và công nghiệp hóa TPCT đến năm 2015; phân tích những thành tựu và hạn chế, bài học kinh nghiệm;
(2) Hệ thống cơ sở lý luận về công nghiệp hóa và chiến lược công nghiệp hóa ở Việt Nam.
(3) Xác định bộ tiêu chí và đo lường các tiêu chí công nghiệp hóa để TPCT cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020.
(4) Đề xuất giải pháp thực hiện Đề án, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí và chỉ tiêu để TPCT cơ bản trở thành thành phố công nghiệp năm 2020, bao gồm nhóm giải pháp thực hiện bộ tiêu chí; nhóm giải pháp đảm bảo thực hiện các mục tiêu; và nhóm giải pháp đột phá và đảm bảo tính đồng bộ.
Các nội dung chủ yếu cần giải quyết của Đề án
Xác định các nội dung nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển, khả năng khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả lợi thế so sánh của TPCT trong vùng và so sánh với các tỉnh lân cận: phân tích, đánh giá hiện trạng, lợi thế so sánh trong mối quan hệ với khu vực ĐBSCL, quốc gia và quốc tế, cũng như đánh giá tiềm năng đóng góp của lĩnh vực công nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể:
Nội dung 1: Đánh giá điều kiện tự nhiên, thực trạng phát triển kinh tế xã hội và công nghiệp của TPCT
Nội dung 2: Xây dựng bộ tiêu chí để TPCT cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020
Nội dung 3: Đề xuất các nhóm giải pháp để TPCT cơ bản trở thành thành phố công nghiệp
(Thông tin chi tiết tại:
http://cids.org.vn/com_contact/contact.htm)
Một số hình ảnh trong quá trình xây dựng Đề án:
Hội thảo lần 3 của Đề án
Phó chủ tịch UBND ông Trương Quang Hoài Nam chủ trì Hội thảo lần 3
Nhóm nghiên cứu cùng Phó Chủ tịch UBND Bà Võ Thị Hồng Ánh làm việc với Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tại TP. HCM
Nhóm nghiên cứu cùng Phó Chủ tịch UBND Bà Võ Thị Hồng Ánh tham quan mô hình quản lý Cảng bằng công nghệ thông tin của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn
Nhóm nghiên cứu cùng Phó Chủ tịch UBND Bà Võ Thị Hồng Ánh chụp hình lưu niệm tại Cảng Cát Lái, TP. HCM
Phó Viện trưởng Huỳnh Văn Tùng và nhóm nghiên cứu tham quan nhà máy chế biến thủy sản ở KCN Thốt Nốt
Nhóm nghiên cứu tham quan nhà máy cơ khí KCN Trà Nóc 1
Phó Viện trưởng Huỳnh Văn Tùng và nhóm nghiên cứu làm việc với BQL hạ tầng KCN Thốt Nốt
Chia nhóm thảo luận ở Hội thảo 2
Chia nhóm thảo luận ở Hội thảo 2
Chia nhóm thảo luận ở Hội thảo 2
Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.