Đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội quận Cái Răng giai đoạn 2016 – 2020
Tác giả: ThS. Trần Thế Như Hiệp và các cộng sự
Đơn vị tư vấn: Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ
Đơn vị quản: UBND quận Cái Răng
Năm thực hiện: 2015
TỔNG QUAN ĐỀ ÁN
Sự cần thiết xây dựng Đề án
Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ - thủ phủ của Tây Đô cũ). Vào những năm đầu của thế kỷ XX Chợ nổi Cái Răng được hình thành để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa khi đường bộ và các phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, ngày nay chợ nổi là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ.
- Vị trí chợ nổi được hình thành và tồn tại trên một diện tích nước tương đối rộng lớn với, có chiều rộng chiếm luồng ngang sông trung bình 100 - 120 m, chiều dọc sông dao động trong khoảng 1.000 – 1.200 m trải dài từ km 08+400 đến 09+600 phía bờ trái, bắt đầu từ phía hạ lưu cách cầu Cái Răng khoảng 500m, các phương tiện neo đậu lấn chiếm hoàn toàn hành lang bảo vệ luồng chạy tàu gây nguy hiểm cho các phương tiện khác khi lưu thông qua khu vực chợ nổi, đây là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa; cụ thể, năm 2009 xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông làm chết 04 người nguyên nhân chủ yếu do neo đậu phương tiện mất trật tự, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.
- Chợ nổi Cái Răng là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển; trong thời gian vừa qua được các trang website du lịch châu á bình chọn Chợ nổi Cái Răng là một trong 5 chợ đẹp nhất, thú vị nhất khu vực châu á… đây là một trong những yếu tố quan trọng được quan tâm trong việc bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thành phố Cần Thơ.
- Bên cạnh đó, các phương tiện neo đậu tại khu vực chợ nổi và các “bè nổi” đều sử dụng điện không an toàn, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, những thói quen “phóng uế” bừa bãi, rác thải từ sinh hoạt mua bán… đều thải trực tiếp xuống mặt sông, gây ô nhiễm nguồn nước và làm mất vẽ mỹ quan, ảnh hưởng đến ngành du lịch Cần Thơ.
- Sự tác động không đúng hướng đến hoạt động chợ nổi, nguy cơ chợ nổi dần mất đi sẽ dẫn đến mai một điểm du lịch hấp dẫn nhất của Cần Thơ.
Từ đó lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xem việc xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng là hết sức cần thiết nhằm Bảo tồn Chợ nổi Cái Răng, phát huy Chợ nổi Cái Răng phục vụ du lịch tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thành phố, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, cải thiện vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo và đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Để tổ chức thực hiện hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng, hạn chế phá vỡ hiện trạng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thành phố, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và vệ sinh môi trường”, Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo phòng chức năng lập Đề án Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng vào du lịch.
Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa, ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2012 của UBND thành phố về việc ban hành Quy chế quản lý và phát triển chợ.
Thực hiện ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc Đầu tư cải tạo Chợ nổi Cái Răng tại Thông báo kết luận số 121/TB-VPUB ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ;
Công văn số 1996/UBND-VX ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch tại Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng: “Giao chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cái Răng cùng với các sở, ngành có liên quan đề xuất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Chợ nổi Cái Răng duy trì và tiếp tục phát triển, hạn chế phá vỡ hiện trạng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thành phố, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và vệ sinh môi trường”…
- Thông báo Kết luận số 193/TB-VPUB ngày 13 tháng 6 năm 2014 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về kết luận của ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tại buổi làm việc với lãnh đạo quận Cái Răng, xác định việc duy trì chợ nổi Cái Răng là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời “giao Ủy ban nhân dân quận Cái Răng tổ chức lập đề án cụ thể nhằm quản lý, bảo tồn và khai thác Chợ nổi Cái Răng…”.
Mục tiêu
- Xây dựng mô hình quản lý chợ nổi hiệu quả.
- Các định hướng và giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng.
- Bảo tồn nguyên trạng và chỉnh trang vẽ mỹ quan tại khu vực Chợ nổi Cái Răng; xử lý các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan sông nước; Đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan tại khu vực Chợ nổi Cái Răng.
- Giới hạn phạm vi ghe tàu neo đậu tại khu vực Chợ nổi Cái Răng và các giải pháp cảnh báo cho các phương tiện giao thông đường thủy trong phạm vi nghiên cứu.
- Giải quyết tình hình không an toàn trong sử dụng điện, nguy cơ cháy nổ;
- Chấn chỉnh tình trạng chèo kéo, thách giá; bố trí các nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách và dân địa phương…
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Chợ nổi Cái Răng nhằm kéo dài thời gian tham quan của du khách tại Chợ nổi Cái Răng và thành phố Cần Thơ.
Đối tượng tham gia
Các cơ quan, đoàn thể cấp thành phố, quận/huyện thành phố Cần Thơ và quận Cái Răng. Các cá nhân, hộ gia đình, các thương hồ đang sinh sống tại khu vực chợ nổi Cái Răng đều là đối tượng thực hiện các hoạt động của đề án.
Phạm vi thực hiện
- Đánh giá sức hấp dẫn về Chợ nổi Cái Răng đối với du lịch và đề ra các giải pháp để phát huy hiệu quả phát triển chợ nổi.
- Phạm vi được xác định trên đoạn sông Cần Thơ, có chiều dài 2,6 km từ Vàm Đầu Sấu đến Vàm kênh Ba Láng – sông Cần Thơ, thuộc địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
- Tập trung nghiên cứu giải quyết những vấn đề còn bất cập tại khu vực chợ nổi như: giải quyết tình hình sử dụng điện không an toàn, di dời các “bè nổi” ra khỏi khu vực chợ nổi, giới hạn phạm vi ghe tàu neo đậu, xử lý giảm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tạo vẽ mỹ quan tại khu vực chợ nổi đồng thời đầu tư khai thác chợ nổi Cái Răng kết hợp dịch vụ du lịch có hiệu quả.
- Chợ nổi Cái Răng được nghiên cứu, kết hợp các vùng phụ cận khác; kết hợp tour du lịch trên sông nước Bến Ninh Kiều – Chợ nổi Cái Răng – Hủ tiếu 6 Hoài – vườn trái cây Phong Điền; Bến Ninh Kiều – Chợ nổi Cái Răng – Cầu Cần Thơ; Bến Chợ An Bình.
- Kết hợp các cơ sở dịch vụ Home Stay (Nhà nghỉ), tham quan Chợ nổi Cái Răng, thăm viếng các di tích lịch sử văn hóa như Chùa Ông (tại chợ Cái Răng) – Bia tưởng niệm Trận đánh Lê Bình – Nhà truyền thống – Đình nước vận (phường Thường Thạnh).
CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Báo cáo đánh giá thực trạng Chợ nổi Cái Răng
Báo cáo giải pháp bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng
(Thông tin chi tiết tại:
http://cids.org.vn/com_contact/contact.htm)
Một số hình ảnh trong quá trình thực hiện Đề án:
Cần dịch vụ giữ trẻ
CNCR chiếm 2/3 chiều ngang sông Cần Thơ
Nhà nổi kết hợp với nhà sàn sát sông, chiến dụng không gian mặt nước CNCR
Kiểm soát rác
Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm
Tàu có tải trọng 15 – 30 tấn đang thu mua hàng hóa nông sản
Các tin khác
Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.