Chợ nổi Cái Răng đã trở thành thương hiệu du lịch của TP Cần Thơ

12/07/2022

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhấn mạnh như trên tại sự kiện Ngày hội du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”, do UBND quận Cái Răng phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức khai mạc sáng ngày 9/7 tại điểm dừng chân Chợ nổi Cái Răng (đường Võ Tánh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Tiết mục biểu diễn "Chợ nổi ngày nắng mới" chào mừng khai mạc sự kiện.

Sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Du lịch Việt Nam (9/7) và là một trong những hoạt động nhằm thiết thực chào mừng 3 năm “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây cũng là lần thứ 6 sự kiện tiếp tục được tổ chức sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Với chủ đề “Bảo tồn và phát triển văn hoá chợ nổi Cái Răng”, Ngày hội du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” diễn ra trong 3 ngày (9 đến 11/7). Năm nay, lễ hội được tổ chức quy mô khá lớn với rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Chương trình văn nghệ chào mừng Ngày hội Du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”; diễu hành tàu từ Bến Ninh Kiều đến Chợ nổi Cái Răng; triển lãm sách và đố vui; giải vô địch Karate miền Nam; đờn ca tài tử trên Chợ nổi; hội thi tạo hình, trang trí từ các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng địa phương; quảng bá xúc tiến du lịch; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, thương mại, ngành nghề truyền thống; diễu hành và giới thiệu hàng hóa nông sản trên ghe, tàu; hoạt động ẩm thực, bánh dân gian, quà lưu niệm; viết thư pháp và triển lãm Bộ ảnh “Thành tựu 15 năm xây dựng và phát triển TP Cần Thơ (2004 - 2019); trò chơi dân gian; văn nghệ tổng hợp; đua vỏ Composite Đồng bằng sông Cửu Long; đua thuyền rồng; giao lưu đờn ca tài tử và hò Cần Thơ; hội thi các môn thể thao (kéo co, đẩy gậy…)…

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP, phát biểu tại lễ khai mạc.

Trong khuôn khổ sự kiện, TP Cần Thơ còn tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Cái Răng”, qua đó đề ra những nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, hạn chế nhằm hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự khai mạc Ngày hội du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đề nghị UBND quận Cái Răng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch, đặc biệt là người dân ở Chợ nổi Cái Răng hiểu sâu về giá trị văn hóa chợ nổi để phát triển du lịch; đồng thời, hướng dẫn, tập huấn người dân kiến thức, kỹ năng làm du lịch; tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động du lịch trên chợ nổi. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và cộng đồng tham gia các hoạt động mua bán sản phẩm phục vụ khách du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn -  thân thiện, nâng cao thái độ ứng xử văn minh để thu hút du khách đến chợ nổi Cái Răng ngày một nhiều hơn.

 

Với nét sinh hoạt gắn liền với sông nước, thời gian qua Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã tạo nên giá trị văn hóa rất đặc sắc không chỉ riêng cho TP Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn được vinh danh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; được bình chọn “là một trong 10 khu chợ nổi nhộn nhịp nhất thế giới” và nằm trong “top 6 chợ nổi đẹp nhất Châu Á”. Đây cũng là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách khi đến Cần Thơ.

Nét văn hóa sông nước đặc trưng tại Chợ nổi Cái Răng

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ, trục đường thủy chiến lược sông Hậu - Kênh xáng Xà No rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, nơi đây là địa điểm neo đậu quan trọng của nhiều phương tiện thủy mua bán hàng hóa (trung bình có khoảng 200 - 250 chiếc ghe, tàu mua bán, trao đổi hàng hóa; có lúc lên đến 300, 400 chiếc, trong đó số lượng neo đậu cố định khoảng 150 chiếc và từ nơi khác đến khoảng 100 chiếc). Chợ nổi Cái Răng được hình thành từ tập quán sinh hoạt lâu đời của người dân địa phương. Hàng hóa của Chợ nổi Cái Răng vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm các nhóm như: trái cây; rau củ quả; hoa, kiểng; hàng thủ công gia dụng; hàng thực phẩm và động vật; hàng gia dụng và thiết yếu… Các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nơi đây thời gian qua đã tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông và các tiểu thương mưu sinh bằng cách cung cấp các dịch vụ trên sông trong thời gian qua với thu nhập bình quân từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng/tháng.

Cũng theo ông Cường, đa phần du khách trong và ngoài nước khi du lịch đến TP Cần Thơ đều có nhu cầu tham quan Chợ nổi Cái Răng không chỉ vì chợ nổi này có nét văn hóa độc đáo của cư dân địa phương, mà còn mang nét văn hóa sông nước rất đặc trưng của vùng Nam bộ. Do vậy, Chợ nổi Cái Răng đã trở thành thương hiệu du lịch của TP Cần Thơ. Hầu hết khách du lịch quốc tế và nội địa đều cho rằng Chợ nổi Cái Răng là điểm đến hấp dẫn.

 

Nguồn: Thanh Xuân - Cổng thông tin điện tử Cần Thơ

 

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video