Cần Thơ: Thúc đẩy doanh nghiệp ngành thực phẩm nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện dịch COVID-19

01/05/2021

Hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong sản xuất kinh doanh, thích ứng với các yếu tố bất lợi và chủ động hội nhập. Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ tổ chức hội thảo công bố Dự án “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp trong hệ thống thực phẩm TP Cần Thơ nâng cao hiệu quả sản xuất và cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng giá trị gia tăng cao trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.

 

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo vào chiều ngày 29/4, TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ  cho biết: Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ đã triển khai và thực hiện Dự án trong 6 tháng (từ tháng 11/2020 đến hết tháng 4/2021), chủ yếu tập trung phân tích, đánh giá môi trường kinh doanh và đặc điểm của hệ thống thực phẩm cả về điểm mạnh và những điểm nghẽn cho sự phát triển, từ kết quả khảo sát thực tế 150 doanh nghiệp ngành thực phẩm và 50 tác nhân trong chuỗi cung ứng rau củ quả…

Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm và Thực phẩm chức năng thành phố Cần Thơ.

Theo  Ts Tùng, tuy có những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng được sự hỗ trợ tích cực của các ngành như Sở KH&ĐT, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương và Sở Y tế , Dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa ra được 05 nhóm khuyến nghị: hoàn thiện khung pháp lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm; kiến tạo môi trường kinh doanh; phân cấp quản lý; thúc đẩy doanh nghiệp trong chuỗi rau quả TP Cần Thơ cải thiện sản xuất và cung cấp thực phẩm theo hướng chất lượng dinh dưỡng và hàm lượng giá trị giá tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng hậu kiểm và phát triển chuỗi cung ứng; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phát triển thị trường trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phục hồi sản xuất kinh doanh dưới tác động của dịch COVID-19 và cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng gia tăng tại TP Cần Thơ.

Cùng với ghi nhận những nỗ lực của Dự án, đặc biệt là sự đóng góp thiết thực vào 3 kết quả của Chương trình Australia về hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, đó là tạo lập thị trường cạnh tranh, minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu nông thôn.

Hội thảo đã tiếp nhận được nhiều ý kiến phản biện hữu ích của các diễn giả về Nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và doanh nghiệp”. Theo TS. Cao Nhất Linh, Khoa luật Trường Đại học Cần Thơ , để hỗ trợ doanh nghiệp thật sự hiệu quả, ngoài việc hỗ trợ chung  theo hình thức tập hợp các doanh nghiệp phổ biến cơ chế chính sách vẫn cần có sự hỗ trợ trực tiếp bằng việc đến từng doanh nghiệp xem họ vướng mắc hay khó khăn gì để hỗ trợ . Ngoài ra, thành phố Cần Thơ  cũng cần xây dựng một Trung tâm pháp lý  để hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, bởi tiêu chuẩn VSATTP của EU rất cao trên 1000 tiêu chuẩn, Việt Nam chỉ có trên 200, làm sao để các tiêu chuẩn VSATTP của các thị trường nước ngoài đến với người dân và doanh nghiệp? Ts Linh đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm và Thực phẩm chức năng thành phố Cần Thơ cho rằng: Trong kiểm nghiệm hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau, nên cùng một mẫu sản phẩm kiểm nghiệm ở các trung tâm khác nhau sẽ có kết quả khác nhau nên cần phải thống nhất phương pháp kiểm nghiệm, cũng cần quan tâm đến chuẩn của kiểm nghiệm. Để phát triển hệ thống trung tâm kiểm nghiệm phục vụ cải thiện chất lượng ATVSTP thành phố Cần Thơ cần có sự qui hoạch cụ thể và đầu tư hoàn chỉnh mới đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt là vận hành các trung tâm kiểm nghiệm nên theo kinh tế thị trường, bởi có trung tâm chỉ làm được 1,2 chỉ tiêu. Nhưng trung tâm khác làm được nhiều chỉ tiêu, ngoài ra các cơ quan chức năng cũng cần phải có chế tài trước thông quan và sau thông quan với các thực phẩm nhập khẩu và các thông tin về yêu cầu về ATVSTP đối với thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường nước ngoài, những thông tin này phải được thống nhất từ Bắc vào Nam để người tiêu dùng và nhà sản xuất biết cái nào được sử dụng, được làm nguyên liệu sản xuất phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu …; ông Việt nói.

ThS. Huỳnh Thị Thanh Tuyền, điều phối viên Hội đồng quốc tế về nông nghiệp (CIAT)  tại Việt Nam khuyến nghị, cần nâng cao năng lực doanh nghiệp thông qua cách tiếp cận hệ thống thực phẩm chú trọng dinh dưỡng. Bởi suy dinh dưỡng hay hạn chế về chiều cao của con người, ngoài yếu tố di truyền còn do thiếu vi chất dinh dưỡng. Còn giảm thiểu phác thải khí Co2, không chỉ riêng với ngành nông nghiệp làm được, rất cần tham gia tích cực của các ngành liên qua đặc biệt là công đồng dân cư, nhất hành vi tích cực về tiêu dùng thực phẩm, tránh để dư thừa…

Chia sẻ tại Hội thảo về việc thời gian qua, vẫn có tình trạng sản phẩm xuất khẩu của ngành thủy sản sang một số thị trường nước ngoài bị hoàn trả, thậm chí không cho mang về còn phải trả phí tiêu hủy. Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, vấn này đã từng xảy ra, nguyên nhân do việc kiểm tra ATVSTP trước khi xuất khẩu là kiểm tra mẫu, chưa kiểm tra 100% nên vẫn lọt với trường hợp người nuôi và doanh nghiệp vẫn sử dụng kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng trong nuôi trồng, hoặc do thiếu nguyên liệu chế biến nên thu gom nguyên liệu trôi nổi để chế biến xuất khẩu. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Cần Thơ là rất quyết liệt trong việc khuyến cáo sản xuất sạch hơn quản lý chặt ch vùng nuôi, đồng thời vận hành Văn phòng SPS để thông báo các tiêu chuẩn về ATVSTP của các thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp cả nước. Còn việc phổ biến pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, thành phố Cần Thơ luôn làm tốt việc này. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu quan tâm, thậm chí khi được mời các doanh nghiệp chỉ cử nhân viên tham dự, lãnh đạo không tham dự nên thực thi chưa cao, ông Nhơn nhấn mạnh,…

Trên cơ sở kết quả của Dự án và các ý kiến ghi nhận và tiếp thu tại Hội thảo, sau hội thảo này Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ sẽ có báo cáo chính thức về kiến nghị chính sách đến UBND thành phố Cần Thơ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, cũng đồng thời để các doanh nghiệp thành phố Cần Thơ phát huy vai trò dẫn dắt doanh nghiệp vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 59/BCT của Bộ chính trị, TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ thông tin. 

nguồn: Trường Ca - Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video