Cần Thơ tăng khả năng ứng phó, thích ứng trước các tác động của biến đổi khí hậu

12/11/2021

Sáng 8/11, phát biểu tại Hội thảo trực tuyến “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh” do Bộ Xây dựng phối hợp Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam và Hiệp hội các đô thị Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, cùng với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, thời gian qua thành phố Cần Thơ cũng không tránh khỏi sự tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai như: hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, sạt lở, sụt lún đất... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu TP Cần Thơ

Theo ông Hiện, đứng trước các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đến sự phát triển đô thị và để xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm của vùng ĐBSCL và là 1 trong 6 đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố Cần Thơ đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó, cũng như thích ứng trước các tác động biến đổi khí hậu của vùng.

Trong đó, thành phố quan tâm, chú trọng thực hiện từ khâu quy hoạch đến dành nguồn lực đầu tư hệ thống, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo sự phát triển ổn định cho thành phố và tạo sự kết nối giữa các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, trong thời gian này thành phố đang thuê đơn vị tư vấn quốc tế để tập trung lập Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực để quy hoạch của thành phố phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch cấp quốc gia. Ngoài ra, thành phố cũng đang tập trung điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật, điều chỉnh việc tổ chức phát triển không gian đô thị trên địa bàn thành phố; đồng thời, thành phố cũng quan tâm lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, hiện thành phố Cần Thơ đã và đang tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư các công trình trọng điểm ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn, đặc biệt là Dự án kè sông Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu; Dự án Nâng cấp đô thị và Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ngân hàng thế giới tài trợ; các dự kè chống sạt lở các tuyến sông trọng điểm...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, thành phố chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực, trong đó lồng ghép triển khai các giải pháp ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, nương theo tự nhiên, hướng theo thuận thiên để thích ứng. Chủ động thực hiện liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL để thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, gắn với việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, thành phố cũng chủ động xây dựng các kịch bản để triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương, cũng như tăng tính tiếp cận, tham gia của doanh nghiệp, người dân vào hoạt động phát triển đô thị của thành phố...

Hội thảo “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh” với sự tham gia của các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế và được kết nối với trên 300 điểm cầu trên cả nước. Hội thảo được kỳ vọng sẽ chuyển tải các thông điệp tới các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương đóng góp các nhóm giải pháp phục hồi kinh tế sau thiên tai và đại dịch để hướng tới mục tiêu xây dựng, cải tạo, tái thiết đô thị Việt Nam phát triển bền vững, có các giải pháp đủ mạnh để tăng cường sức “đề kháng” chống chịu với các tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

Theo Bộ Xây dựng, trong gần 35 năm qua, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, hệ thống đô thị được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố tương đối đều trên cả nước. Đô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước.

Mặc dù số lượng đô thị tăng lên nhưng theo Bộ Xây dựng, chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ, quá tải. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả, gây phát thải lớn. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Đây là những thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.

 

Tác giả: Thanh Xuân - Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cần Thơ

Tại đường link: https://www.cantho.gov.vn/wps/portal/home/Trang-chu/chi-tiet/tintucsukien/sukiennoibat/08112021

 

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video