Cần Thơ lần đầu tiên thực hiện Đề án “Khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp Sở, ban, ngành và địa phương TP Cần Thơ năm 2022”

14/02/2023

Trong những năm gần đây, chỉ số PCI của thành phố Cần Thơ đã có những cải thiện đáng kể, nằm trong top 12 địa phương có điểm số trung bình cao nhất Việt Nam. Chỉ số PCI của Cần Thơ năm 2020 là 66,33 điểm, xếp hạng 12/63 tỉnh/thành phố trong cả nước (giảm một bậc so với năm 2019), duy trì vị trí thứ 05/13 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Khá”. 

Trong đó, có 05/10 chỉ số thành phần được cải thiện so với năm 2019. Kết quả PCI 2021 của thành phố Cần Thơ đạt 68,06 điểm đứng thứ hạng 12/12 trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước, đứng thứ 2 của vùng. Mặc dù, đã có những dấu hiệu tích cực nhưng thành phố Cần Thơ vẫn cần tiếp tục cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện. Với mục tiêu không ngừng hoàn thiện về thể chế, năng lực điều hành, năng lực triển khai thực hiện của các Sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nhằm nâng cao năng lực tham mưu cho Lãnh đạo thành phố nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả nguồn lực của địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng của kinh tế thế giới.

Các nỗ lực của chính quyền thành phố sẽ không đạt được kỳ vọng nếu việc triển khai các chính sách, quy định ở cấp Sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện không đồng bộ. Vì vậy, cần phải tìm ra giải pháp hiệu quả để thúc đẩy năng lực điều hành kinh tế cấp Sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nhằm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của thành phố. Việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương của mỗi tỉnh mặc dù đã được một số tỉnh triển khai nhưng vẫn còn là một mô hình mới, mỗi nơi áp dụng mô hình, cách thức đánh giá khác nhau. Bộ chỉ số DDCI thành phố Cần Thơ được xây dựng tương tự PCI, có tính chất đánh giá độc lập sẽ có khả năng cho thấy những khác biệt về năng lực điều hành kinh tế của cấp sở ngành và địa phương, mỗi chỉ số thành phần đều được quy ra các điểm số có sự tương đồng để so sánh giữa các cấp sở ngành và địa phương trong lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, đây là bộ chỉ số đánh giá mới, được xem là sáng kiến địa phương, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành đặc biệt quan tâm.

Năm 2022 là năm đầu tiên thành phố Cần thơ tiến hành khảo sát và đánh giá DDCI, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, thành phố Cần Thơ triển khai công cụ DDCI trên địa bàn thành phố và coi đây là công cụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 Bộ chỉ số DDCI được xây dựng tương tự PCI, có tính chất đánh giá độc lập cho thấy những khác biệt về năng lực điều hành kinh tế của cấp Sở ngành, địa phương, mỗi chỉ số thành phần đều được quy ra các điểm số có sự tương đồng để so sánh giữa các cấp sở ngành và địa phương trong lĩnh vực liên quan.

Đối tượng đánh giá là các cơ quan Nhà nước bao gồm các Sở, cơ quan trực thuộc UBND thành phố, cơ quan thuộc ngành dọc Trung ương cung cấp dịch vụ hành chính công hoặc giải quyết công việc có liên quan đến doanh nghiệp. Đối tượng được đánh giá được chia làm hai nhóm, tổng cộng 24 đơn vị như sau: gồm 9 quận/huyện và 15 sở, ngành (không gồm Sở Tài chính), với quy mô mẫu quan sát là 979 doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh. Danh sách các Doanh nghiệp và Hợp tác xã được thu thập từ đơn vị sở, ban, ngành và các quận huyện.

Trên cơ sở sử dụng phương pháp luận DDCI, nhóm nghiên cứu đã tính toán và xếp hạng các sở, ngành và địa phương dựa trên điểm số tổng hợp tính toán từ 10 chỉ số thành phần. Kết quả cho thấy điểm trung bình của chỉ số DDCI của Cần Thơ là tương đối thấp, ở mức độ trung bình 51,7 với các sở/ngành và 55,0 với các quận/huyện. Khoảng cách điểm giữa nhóm xếp hạng thấp nhất và cao nhất là tương đối rộng cho thấy có sự không đồng đều trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh giữa các đơn vị ở thành phố Cần Thơ.

Trong đó, điểm trung bình của các Sở ngành là khoảng 53,7/100 điểm, và trung vị là 51,7. Đứng đầu là: Sở Công Thương với 63,93 điểm, kế đến là Bảo hiểm xã hội với 61,57 điểm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 60,01 điểm.

Về nhóm quận huyện, ba quận, huyện có chỉ số DDCI cao nhất là: Huyện Thới Lai với 71,96 điểm, Quận Ô Môn 63,39 điểm và Quận Ninh Kiều với 60,42 điểm.

Biểu đồ 1: Điểm số và vị trí sắp xếp theo tổng điểm của Sở, ban ngành

Biểu đồ 2: Điểm số và vị trí sắp xếp theo tổng điểm của quận, huyện

Trên cơ sở phân tích các thành tựu cũng như hạn chế trong điều hành, cải cách dịch vụ công và môi trường kinh doanh của các Sở, ban, ngành, quận huyện kết hợp với những bài học kinh nghiệm của các tỉnh thành khác, đề xuất một số giải pháp cải thiện chỉ số DDCI Cần Thơ trong thời gian tới như sau:

  1. Nâng cao tính năng động và tiên phong gắn với trách nhiệm người đứng đầu, gắn với công tác CCHC và giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu hoặc thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ công: Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT –TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 về việc xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc gắn với cải thiện Chỉ số PCI/DDCI.

   - Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; trước hết người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, DN; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.

  • Bồi dưỡng kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, địa phương để nâng cao nhận thức, phục vụ DN tốt hơn; thay đổi ứng xử của cơ quan Nhà nước và người dân theo tinh thần “thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm; khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân gây giảm điểm đối với từng chỉ số thành phần, từng Chỉ số nội dung trong Chỉ số PCI gắn với DDCI có liên quan đến ngành mình; điều chuyển thay thế cán bộ thực thi công vụ chậm trễ, thiếu tinh thần, thái độ phục vụ, gây khó khăn, nhũng nhiễu, bị DN và người dân có ý kiến phản ánh.
  • Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có thái độ hách dịch, những nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, từ chối các yêu cầu đúng quy định và pháp luật của các DN và các tổ chức, cá nhân liên quan.
  • Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; ngoài việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm còn phải xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị.
  • Biểu dương kịp thời cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao trong cải cách hành chính, có sáng kiến cải thiện MTKD, v.v.; tăng cường chỉ đạo việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, việc thực hiện các quyết định, văn bản của UBND TP ở các Sở, ngành, cấp huyện; xử lý nghiêm theo quy định về trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị nếu chậm trễ, gây ách tắc công việc.
  1. Cải thiện tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, nguồn lực: Áp dụng nguyên tắc minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình, đối thoại trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN, kiến nghị của nhân dân, thông tin từ các cơ quan truyền thông;
  2. Thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu chi phí không chính thức trong Chỉ số PCI: Thúc đẩy thực hành liêm chính trong quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và DN, người dân, thực hiện các biện pháp cải thiện trên thực tế thông qua các chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương; thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng; Tạo điều kiện trong tiếp nhận và xử lý, bảo vệ  người dân thực hiện việc phản ánh, tố cáo hành vi phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng.
  3. Các Sở, ngành liên quan nhiều đến DN và quản lý về nguồn lực công cần phải được cải thiện mạnh mẽ hơn tạo thuận lợi cho DN, người kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng mới: Những Sở, ngành, đơn vị nắm quyền quản lý về nguồn lực công và quản lý tài nguyên theo dữ liệu khảo sát DDCI Cần Thơ có điểm số tổng hợp cũng như điểm Chỉ số thành phần còn thấp, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để tăng điểm và cần được cải thiện mạnh mẽ hơn.
  4. Hoàn thiện hệ thống quy hoạch, chính sách phát triển gắn với triển khai kế hoạch 5 năm 2022 -2025 gắn với vai trò khởi xướng, chủ trì các liên kết vùng; xây dựng hình ảnh địa phương năng động, phát huy các sáng kiến cải thiện MTKD quảng bá hình ảnh phát triển của tỉnh trong cộng đồng DN trong và ngoài nước; kịp thời thông tin về các chủ trương chính sách phát triển KTXH, hỗ trợ DN. Tăng cường truyền thông trong cộng đồng DN về các biện pháp mới trong cải thiện MTKD.
  5. Xây dựng quy trình, sơ đồ hóa về trình tự, thủ tục đầu tư trong và ngoài khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và áp dụng các mô hình hỗ trợ ĐMST: Do các Luật liên quan đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập, không thống nhất, nên để cải thiện môi trường đầu tư ở địa phương cần ban hành, sơ đồ hóa chu trình đầu tư.
  6. Tăng cường tương tác với DN, thường xuyên tiếp nhận ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của DN thông qua Hiệp hội DN và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Các sở, ngành nghiên cứu sâu các văn bản, trực tiếp nghe, vận dụng, kịp thời, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của DN;
  7. Phát huy vai trò Tổ công tác hỗ trợ đầu tư và DN: Đối với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền của ngành, UBND Quận/huyện; những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành, Tổ công tác hỗ trợ DN có trách nhiệm tham mưu, đề xuất phương án giải quyết cuối cùng; không để DN phản ánh, kiến nghị với các cơ quan truyền thông hoặc phản ánh lên Trung ương; Xây dựng hình ảnh địa phương, giới thiệu các dự án của TP đến với các nhà đầu tư chiến lược; từ đó, đồng hành cùng nhà đầu tư từ khâu đề xuất dự án, cấp chủ trương đầu tư, thực hiện dự án đầu tư (đặc biệt trong thẩm định dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng). Xác định rõ từng bước công việc, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, đồng thời cam kết với nhà đầu tư về tiến độ triển khai.
  8. Nghiên cứu áp dụng các kinh nghiệm tốt về hỗ trợ đầu tư và DN: như Tổ công tác ba nhất của tỉnh Bắc Ninh (tư vấn nhanh nhất, hiệu quả nhất và khôi phục sản xuất sau dịch tốt nhất); hoặc mô hình Tổ Invester Care (Chăm sóc nhà đầu tư) của tỉnh Quảng Ninh.
  9.  Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kinh tế số, Chính quyền số, chính quyền điện tử, chia sẻ dữ liệu, v.v. có giải pháp cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được thực thi đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp; có trọng tâm, gắn với lộ trình cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với thực tiễn của tỉnh, tạo sức hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
  10.  Cải thiện tính minh bạch thông qua cải thiện các trang tin điện tử của TP và từng sở, ngành, quận huyện: Để góp phần nâng cao tính minh bạch, các cơ quan cần công khai thông tin về thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử. Thực trạng cho thấy, hoạt động này mới chỉ dừng lại ở việc công khai những thông tin theo quy định của pháp luật. Nhiều Website không đăng tải đầy đủ các quy hoạch của địa phương. Những đơn vị liên quan nhiều tới DN như Sở Kế hoạch đầu tư; Sở GT-VT; Sở Công Thương; Sở TN&MT chưa có những thông tin hướng dẫn chi tiết và chính sách hỗ trợ DN.
  11.  Nâng cao hiệu quả đối thoại DN một cách thực chất, thu hẹp khoảng cách giữa DN, người dân và lãnh đạo: Hiện nay, ở các tỉnh/TP, cơ quan thuế và hải quan đều đã tổ chức hoạt động đối thoại với DN. Một số địa phương năng động đã tiên phong tổ chức đối thoại theo hình thức chia nhóm DN để cụ thể hơn vấn đề đối thoại và đề ra những giải pháp cụ thể, sát thực với nhu cầu của DN. Việc thu nhận ý kiến DN và có giải quyết các vấn đề một cách nghiêm túc, thực chất sẽ giúp đối thoại trở nên thực chất, nâng cao sự tự tin của DN khi trình bày các vấn đề của mình.

Kinh nghiệm chung chỉ ra các DN nhận thấy:

- Nếu có Chủ tịch/Bí thư thì vấn đề được giải quyết tốt hơn.

- Nếu đầu mối tổ chức là Hiệp hội DN thì các DN cảm thấy thoải mái và hiệu quả hơn. Để làm được điều này, cần nâng cao vai trò và năng lực của Hiệp hội DN trong hình thành cầu nối, đại diện tiếng nói của cộng đồng DN. Khảo sát chung cũng chỉ ra, tại những địa phương có hoạt động đối thoại được đánh giá là hiệu quả như Tuyên Quang, Long An, v.v. thì Hiệp hội DN đóng vai trò then chốt trong việc nắm bắt và truyền tải thông tin giữa DN và cơ quan nhà nước.

  1.  Đổi mới hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN: Đa dạng hóa cách thức DN tiếp cận lãnh đạo theo hình thức thu hẹp khoảng cách với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ (điện thoại, website, tin nhắn, ứng dụng di động) là việc nên làm vì một mặt nó giúp DN tự tin hơn và có nhiều lựa chọn, mặt khác cũng giảm áp lực khi muốn trình bày trực tiếp một vấn đề cụ thể với lãnh đạo tỉnh.
  2.  Minh bạch hóa thanh tra, kiểm tra: Một số DN phản ánh có chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn có DN phản ánh tình trạng thanh kiểm tra nhiều lần, trùng lặp và không tổ chức đoàn liên ngành vẫn diễn ra. Áp dụng kinh nghiệm của một số địa phương. Chủ động rà soát kế hoạch thanh kiểm tra của cơ quan khác để tránh trùng lặp. Giao Thanh tra tỉnh điều phối để tránh việc một DN bị thanh kiểm tra nhiều lần; công khai kế hoạch thanh kiểm tra để các đơn vị và DN được biết.
  3.  Đối với thành phố Cần Thơ, cùng với quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng, các chủ trương chính sách mới và khai thác những lợi thế mới cho phát triển, triển khai mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cán bộ, DDCI là bộ công cụ để TP “chẩn đoán” các Sở, ngành, địa phương, khi đó những quyết tâm cải cách của tỉnh sẽ được thúc đẩy và đo lường thực chất đối với hoạt động của các Sở, ngành, địa phương. Sau khi công bố, tỉnh cần có chỉ đạo tập huấn, cải cách ở từng Sở, ngành, địa phương coi đó là thước đo nỗ lực và chất lượng hoạt động, thể hiện kết quả của công tác cải cách đúng hướng của TP.Cần Thơ.
  4.  Tham khảo kinh nghiệm tốt từ các địa phương, để có những mô hình hữu ích trong các khâu tương tác với DN và đặc biệt là việc sử dụng DDCI như một công cụ cải thiện chỉ số PCI. Các giải pháp tổng hợp nêu trên sẽ tạo tác động kép làm tăng tỉnh năng động tiên phong và giảm chi phí không chính thức. Cách thức tiến hành cần tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ của truyền thông, khơi dậy niềm tin của cộng đồng DN vào những nố lực cải cách của tỉnh. Trên cơ sở đó, chẩn đoán, phân tích và tìm giải pháp cho từng ngành, địa phương. Cấp ủy và chính quyền địa phương sử dụng công cụ DDCI và các công cụ khác làm tham chiếu đánh giá kết quả hoạt động của các Sở, ngành thúc đẩy cải cách.

Phát biểu tại Hội nghị công bố và sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2022, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2025 và đánh giá năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp Sở, ban, ngành và địa phương TP Cần Thơ năm 2022. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ban, ngành và của Thành ủy, UBND thành phố để hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác chỉ đạo điều hành, tiếp tục phát huy những Chỉ số thành phần được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đánh giá cao và quyết liệt thực hiện có hiệu quả những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong đề án “Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) tại thành phố Cần Thơ”.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức tích cực tham gia phong trào thi đua và thực hiện Đề án công vụ. Xử lý nghiêm cán bộ công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, vi phạm đạo đức công vụ, các cơ quan để xảy ra vi phạm trong thực thi công vụ. Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, góp phần xây dựng môi trường văn hóa công sở, thành phố thật sự lành mạnh. Xác định vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với phong trào thi đua trong giai đoạn tiếp theo; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành. Năm 2023, giao Viện Kinh tế Xã hội tiếp tục đánh giá…năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương. Đồng thời, mở rộng số lượng các sở ngành của thành phố để đánh giá đầy đủ chất lượng điều hành của các Sở ngành, quận huyện thành phố.

 

Thông tin chi tiết tại: VIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Số 09 Hải Thượng Lãn Ông, Phường Tân An, Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Số điện thoại: 02923 819 337

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video