Cần Thơ: Khai thác mỏ vàng du lịch nông nghiệp

30/07/2019

ÐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất nước. Nơi đây, có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, bốn mùa cây ăn trái trĩu  quả, tôm cá đầy ghe…, khó nơi nào sánh được. Ðó là nguồn tài nguyên quý giá để ÐBSCL phát triển du lịch nông nghiệp.

Thế mạnh từ du lịch nông nghiệp
 
Trải nghiệm ở Cần Thơ Farm (Ảnh: Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ)
 
Theo các nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch, có thể hiểu du lịch nông nghiệp là hoạt động thương mại tại các trang trại hoặc nơi sản xuất nông nghiệp hướng đến việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho du khách và tạo thêm thu nhập cho chủ sở hữu. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển thành sản phẩm du lịch và phát triển du lịch nông nghiệp là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh nhất cho nông dân. Du lịch nông nghiệp chính là “át chủ bài” của Việt Nam, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, chống khuynh hướng ly nông, giao lưu văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và giao lưu văn hóa với khu vực, quốc tế, thúc đẩy hội nhập văn hóa, kiến trúc, trau dồi ngoại ngữ cho nhà nông…
 
Loại hình du lịch này đã được tỉnh An Giang- một trong những tỉnh nông nghiệp hàng đầu của vùng ĐBSCL- tiên phong khai thác. Năm 2007, tỉnh An Giang được Tổ chức Nông dân Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp. Sau 3 năm thử nghiệm (2007-2009), du lịch nông nghiệp tỉnh An Giang được Agriterra đánh giá cao và tiếp tục đầu tư cho dự án này. Từ năm 2011-2014, An Giang nhận được đầu tư của Agriterra góp phần chuyên nghiệp hóa du lịch nông nghiệp thông qua việc đào tạo các kỹ năng du lịch cho 600 nông dân, đầu tư cơ sở vật chất 75- 100 hộ. Qua đó, tăng thu nhập cho các hộ nông dân từ 5-12 triệu đồng/tháng. Tổng lượt khách tham gia loại hình du lịch này là 42.848 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1.909 lượt, tổng doanh thu trên 4,37 tỉ đồng. Bây giờ, An Giang đã hình thành điểm đến du lịch nông nghiệp. Đó là các vườn xoài ở Cù lao Giêng (Chợ Mới) với không gian “rừng xoài” 4.000ha, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (Châu Đốc)...
 
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đánh giá: Chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại An Giang đã hình thành nhưng còn thiếu tính liên kết thành một câu chuyện cho cả tỉnh. Các thông tin đầu vào cho chuỗi còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ; dịch vụ tại các điểm tham quan còn đơn điệu, thiên nhiều về tham quan, các dịch vụ còn hạn chế và chưa ấn tượng, các sản phẩm lưu niệm từ thế mạnh nông nghiệp của địa phương chưa được phát huy, đã xuất hiện các mặt hàng đặc sản ấn tượng (dưa lê sạch, cà chua sạch của HTX Tuấn Phong; xoài ba màu đạt chuẩn VietGAP của Chợ Mới) nhưng cách đóng gói còn chưa ấn tượng và các câu chuyện kể xoay quanh sản phẩm để giới thiệu cho du khách chưa được đầu tư…
 
Cần Thơ tuy là trung tâm ĐBSCL, là đô thị miền sông nước, nhưng có nhiều thế mạnh du lịch nông nghiệp. Hiện nay, Cần Thơ có trên 25 điểm miệt vườn homestay; trong đó, có hơn 2/3 điểm tập trung tại huyện Phong Điền và quận Cái Răng, là địa phương có nhiều vườn cây ăn trái và sản vật để tạo nên sản phẩm du lịch nông nghiệp. Du khách đến đây được tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm làm vườn, làm ruộng, trồng rau, giăng lưới, tát mương bắt cá, thưởng thức bánh dân gian, đạp xe khám phá làng quê, cuộc sống người dân sông nước miệt vườn…, và ăn nghỉ ở nhà vườn. Đến Vườn ca cao Mười Cương (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), du khách được tham quan vườn ca cao, trải nghiệm các khâu thu hoạch, chế biến trái ca cao và thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra. Du khách đến Út Hiên (phường Ba Láng, quận Cái Răng), sẽ được sắm vai “Anh Hai Nam Bộ” đi trồng rau màu, chăm sóc vườn cây, chèo xuồng giăng lưới, tát ao bắt cá. Hay đến Hưng (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) trải nghiệm vườn cây ăn trái, vườn rau sạch… cùng gia chủ chế biến các món ăn chả giò, bánh xèo, bánh đúc.
 
 Làng du lịch Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) một trong những điểm du lịch miệt vườn Cần Thơ nổi tiếng từ lâu nay thu hút nhiều du khách cũng từ du lịch nông nghiệp. Ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc  Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Làng du lịch Mỹ Khánh có nhiều hoạt động trải nghiệm nhưng “ăn khách” nhất là 1 ngày làm điền chủ, 1 ngày làm nông dân. Du khách trong nước thì thích làm điền chủ có kẻ hầu người hạ, còn du khách nước ngoài thích làm nông dân để được làm vườn, hái rau quả, tát nước bắt cá…”.
 
Ðánh thức tiềm năng
 
Theo các chuyên gia du lịch, việc đầu tư và khai thác du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng. Có người ví du lịch nông nghiệp ĐBSCL là mỏ vàng chưa khai thác. Năm 2018, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh An Giang và các bộ, ngành, cơ quan tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2018” tại TP Long Xuyên. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, mức độ phát triển du lịch ở ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí của vùng. Nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp nên chưa khai thác triệt để  lợi thế sông nước, nông nghiệp, nông thôn miệt vườn, đặc biệt còn xem nhẹ vai trò hợp tác liên kết giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài vùng.
 
Mới đây, tại tỉnh Hậu Giang - địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, diễn ra Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” để tìm giải pháp đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp nơi đây. Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Giống như một cô gái đẹp đang ngủ say và cần được đánh thức, Hậu Giang với viên ngọc xanh Lung Ngọc Hoàng, chợ nổi Ngã Bảy đi vào bài hát Tình anh bán chiếu, Trúc lâm Thiền viện, Rừng tràm Vị Thủy, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sáng tạo… và đặc biệt là người Hậu Giang mến khách, nghĩa tình, thủy chung. Hậu Giang tuy giàu tiềm năng nhưng mới chỉ bước những bước ban đầu, chưa có nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng được thương mại hóa và cạnh tranh  với các địa phương khác trong khu vực. Chúng tôi nhận thức rằng, mặc dù du lịch nông nghiệp của tỉnh nhà còn ở mức tiềm năng nhưng khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu chúng ta cùng nhau hợp tác, quyết tâm đi những bước thật nhanh, thật đúng hướng, đón đầu xu hướng thế giới. Hậu Giang sẵn sàng hợp tác và tiếp nhận công nghệ làm du lịch, để làm giàu hơn, đặc sắc hơn các sản phẩm du lịch hiện có, thích ứng với nhu cầu của thị trường và phải làm sao để du khách biết đến Hậu Giang…”.
 
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, cho biết hiện nay nhiều nước trên thế giới phát triển du lịch nông nghiệp và tổ chức rất bài bản, đem lại thu nhập cao cho nông dân. ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này vì đây là đồng bằng đẹp hàng đầu châu Á, khí hậu tốt cả 4 mùa, đồng lúa, vườn cây, làng xóm đẹp, có nhiều sông ngòi, rừng ngập mặn và nhiều khu bảo tồn, dồi dào thực phẩm tươi ngon. Tuy nhiên, ông Huê cũng chia sẻ: “ĐBSCL hiện chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình du lịch này trở thành một trong những loại hình du lịch chính, cần phải có chiến lược về phát triển sản phẩm. Khách du lịch lữ hành đi tour nông nghiệp chủ yếu là nhóm nhỏ, theo gia đình, bạn bè. Khách này dành nhiều thời gian cho việc tham gia trải nghiệm các hoạt động hơn là nghe thuyết minh nên dịch vụ phải được tổ chức khác biệt… Khách mua tour trải nghiệm ở ngoài đồng, chứ không mua ruộng lúa; khách mua tour trên sông chứ không mua sông; muốn bán được dịch vụ tắm nắng phải có hồ bơi. Vì vậy, cần phát triển sản phẩm thì mới thu hút được khách du lịch”.
 
Theo HUỲNH BIỂN
(Nguồn: Báo Cần Thơ)

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video