CẦN THƠ KHAI MỞ CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI TỪ QUY HOẠCH

26/02/2024

Mekong ASEAN: Để dễ hình dung những thành tựu của thành phố sau 20 năm trực thuộc Trung ương, ông so sánh thế nào về Cần Thơ của hiện tại với cách đây 20 năm?

Ông Trần Việt Trường: Để đánh giá sự phát triển của Cần Thơ sau 20 năm, có thể so sánh từ những chỉ tiêu quan trọng nhất. Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (giá hiện hành) đạt 118.491 tỷ đồng, gấp 10,1 lần so năm 2004, hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 94,12 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.

Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 4.088 tỷ đồng năm 2004 lên 22.000 tỷ đồng năm 2020 và ước năm 2023 đạt 31.293 tỷ đồng, tăng bình quân 11,31%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 41% vào năm 2004 lên 80,42% vào năm 2022 và ước đạt 82,5% năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,21%, thấp nhất so với các tỉnh trong vùng và thấp hơn so với mức bình quân cả nước.

Nhìn chung, 20 năm qua, Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới. Quy mô nền kinh tế từng bước được cải thiện, chất lượng và năng lực cạnh tranh được nâng lên; diện mạo thành phố thay đổi theo hướng khang trang, tiến bộ, văn minh, hiện đại. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp tăng đáng kể, khu vực nông nghiệp - thủy sản giảm tương ứng trong cơ cấu GRDP qua từng giai đoạn nhưng giá trị tuyệt đối vẫn tăng ổn định.

Thành phố đã hoàn thành đưa vào hoạt động các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng có tính chất kết nối liên vùng qua địa bàn: Cầu Cần Thơ, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2... Giai đoạn 2021 - 2025, Cần Thơ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông; nâng cấp, mở rộng đường Nam sông Hậu; xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nâng cấp cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; đường sắt TP HCM - Cần Thơ...

Mekong ASEAN: Kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo tại Cần Thơ, điều gì khiến ông tự hào nhất khi chứng kiến sự phát triển của thành phố và điều gì còn khiến ông trăn trở, quyết tâm thực hiện trong thời gian tới?

Ông Trần Việt Trường: Điều khiến tôi tự hào nhất không gì khác chính là thành phố thay đổi theo hướng khang trang, tiến bộ, văn minh, hiện đại. Thành quả đến từ sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thành phố.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là sự phát triển chưa mang tính đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tính hạt nhân, trung tâm và động lực phát triển của vùng ĐBSCL là chưa rõ nét...

Trăn trở lớn nhất của tôi hiện tại chính là làm sao để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Thành phố cần phải xác định và lựa chọn đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương. Tháo gỡ những điểm nghẽn để hiện thực hóa mục tiêu mà Trung ương đã đề ra là phát triển thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô…

Mekong ASEAN: Quy hoạch Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào với Cần Thơ?

Ông Trần Việt Trường: Quy hoạch thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục hiện thực hóa chỉ đạo của Trung ương đối với thành phố, phát huy vai trò động lực phát triển của vùng ĐBSCL, đặc biệt tập trung vào những chiến lược mang tính đột phá, những định hướng và đổi mới mạnh mẽ về các ngành ưu tiên phát triển, phân bổ không gian phát triển, tái cơ cấu và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất.

Đây cũng là cơ sở để Cần Thơ tăng tốc và bứt phá, khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, phát triển thích ứng trong tình hình mới, xứng tầm với vị thế tiềm năng của vùng đất Tây Đô.

Bên cạnh đó, Quy hoạch thành phố Cần Thơ với tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm. Điều này đáp ứng yêu cầu phát triển chung của vùng và của cả nước, là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.

Thành phố sẽ tận dụng Quy hoạch thành phố Cần Thơ để chuyển các tiềm năng, lợi thế, cơ hội đang và sẽ có trở thành nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Mekong ASEAN: Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ hồi tháng 10/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có nêu một ý là Cần Thơ phải có khát vọng lớn, từ đó mới có tư duy, tầm nhìn để thoát “bẫy” thu ngân sách 10.000 tỷ đồng. Vậy Cần Thơ đã chuẩn bị những gì cho “khát vọng lớn” đó, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: Thành phố đang xây dựng Đề án huy động tài chính và tăng thu ngân sách giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu Đề án là bao quát đầy đủ các nguồn thu trên cơ sở thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phải thu vào ngân sách. Phát huy và khai thác tối đa các nguồn thu từ đất để ưu tiên đầu tư các khu tái định cư, bổ sung vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược theo quy hoạch. Huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư dự án phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển đô thị.

Đề án đưa ra một số giải pháp trọng tâm là giải quyết, khắc phục các vướng mắc trong xác định tiền sử dụng đất các dự án có vốn ngoài ngân sách; tháo gỡ vướng mắc các dự án phát triển nhà ở, mời gọi các nhà đầu tư để phát triển một số dự án đô thị; tạo nguồn thu tiền sử dụng đất và các khoản thuế phát sinh khác. Triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh song song với việc thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực vào các lĩnh vực y tế, hạ tầng công nghệ thông tin, giao thông, xử lý rác thải, nước thải, cấp nước…

Kỳ vọng khi Đề án được đưa vào triển khai thực hiện sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2023 - 2025, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV và Nghị quyết HĐND Thành phố đề ra. Đồng thời đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mekong ASEAN: Điện khí Ô Môn được kỳ vọng là năng lượng sản xuất mới, giúp tăng thu ngân sách cho Cần Thơ. Xin ông chia sẻ nhiềuhơn về tình hình triển khai dự án này, nếu hoàn thành thì Điện khí Ô Môn có thể đóng góp cho Thành phố như thế nào?

Ông Trần Việt Trường: Chuỗi dự án điện - khí Lô B bao gồm: Dự án phát triển mỏ khí Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và dự án các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (hạ nguồn); có tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD. Trong đó, dự án phát triển mỏ khí Lô B với sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ mét khối/năm trong giai đoạn bình ổn và ổn định cho khoảng 20 năm.

Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn thực hiện theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa các nhà đầu tư PVN, PVGas, MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan). Dự án đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể, hiện chủ đầu tư đường ống dẫn khí đang tích cực phối hợp với Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố Cần Thơ thực hiện xác nhận chi phí hỗ trợ/phối hợp lập khung chính sách đã bao gồm trong kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; thống nhất biên bản quy định về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Điện khí Ô Môn (hay còn gọi là Trung tâm Điện lực Ô Môn) là một trong ba dự án thành phần của Chuỗi dự án khí – điện Lô B (dự án trọng điểm quốc gia). Theo Quy hoạch điện VIII, Trung tâm Điện lực Ô Môn gồm 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn: I, II, III, IV, với tổng công suất khoảng 3.810MW, tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD, sử dụng khí từ dự án khí lô B, diện tích đất sử dụng khoảng 160ha.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nguồn điện phục vụ nhu cầu cho các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ nói riêng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung; góp phần tăng sản lượng điện chia sẻ, truyền tải từ Nam ra Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn thông qua đường dây 500kV.

Mekong ASEAN: Điện khí Ô Môn được kỳ vọng là năng lượng sản xuất mới, giúp tăng thu ngân sách cho Cần Thơ. Xin ông chia sẻ nhiềuhơn về tình hình triển khai dự án này, nếu hoàn thành thì Điện khí Ô Môn có thể đóng góp cho Thành phố như thế nào?

Ông Trần Việt Trường: Chuỗi dự án điện - khí Lô B bao gồm: Dự án phát triển mỏ khí Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và dự án các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (hạ nguồn); có tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD. Trong đó, dự án phát triển mỏ khí Lô B với sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ mét khối/năm trong giai đoạn bình ổn và ổn định cho khoảng 20 năm.

Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn thực hiện theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa các nhà đầu tư PVN, PVGas, MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan). Dự án đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể, hiện chủ đầu tư đường ống dẫn khí đang tích cực phối hợp với Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố Cần Thơ thực hiện xác nhận chi phí hỗ trợ/phối hợp lập khung chính sách đã bao gồm trong kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; thống nhất biên bản quy định về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Điện khí Ô Môn (hay còn gọi là Trung tâm Điện lực Ô Môn) là một trong ba dự án thành phần của Chuỗi dự án khí – điện Lô B (dự án trọng điểm quốc gia). Theo Quy hoạch điện VIII, Trung tâm Điện lực Ô Môn gồm 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn: I, II, III, IV, với tổng công suất khoảng 3.810MW, tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD, sử dụng khí từ dự án khí lô B, diện tích đất sử dụng khoảng 160ha.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nguồn điện phục vụ nhu cầu cho các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ nói riêng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung; góp phần tăng sản lượng điện chia sẻ, truyền tải từ Nam ra Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn thông qua đường dây 500kV.

Mekong ASEAN: Ngoài Điện khí Ô Môn, các động lực tăng trưởng mới của Cần Thơ sẽ là gì, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: Theo quan điểm phát triển được xác định trong Quy hoạch, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ quy hoạch; tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án có tác dụng lan tỏa lớn tạo động lực phát triển cho thành phố. Ngoài Điện khí Ô Môn, Cần Thơ đã và đang chuẩn bị nhiều động lực phát triển đồng bộ.

Về kết cấu hạ tầng giao thông, đường bộ sẽ xây dựng mới tuyến đường liên tỉnh Sa Đéc - Ô Môn - Giồng Riềng và cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu; nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7 trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy.

Về đường thủy, sẽ xây dựng các cảng thủy nội địa hàng hóa lớn, trọng điểm trên sông Hậu, kênh Xà No, kênh Cái Sắn, sông Ô Môn. Cùng với đó là định hướng xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo các trục đường Vành đai phía Tây thành phố, quốc lộ 91… Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; phát triển các sân bay và vùng nước dành cho thủy phi cơ trên sông Hậu…

Về công nghiệp, đẩy nhanh hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai - Cờ Đỏ; đô thị - công nghiệp - cảng - logistics Thốt Nốt; trung tâm năng lượng, công nghiệp - công nghệ cao Ô Môn. Thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An. Định hướng phát triển mới hệ thống đường ống dẫn khí phục vụ cho các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Về thương mại dịch vụ, Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm phân phối của vùng ĐBSCL. Các dịch vụ được ưu tiên phát triển như logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao…

Về kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe và hệ thống mạng lưới giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trợ giúp xã hội, mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao được xác định góp phần làm cho chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng theo yêu cầu, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp; đảm bảo đời sống tinh thần của người dân Cần Thơ và các đối tượng làm việc và học tập của địa phương.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

NỘI DUNG: ĐINH NHUNG - THIẾT KẾ: HOÀNG YẾN – TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ MEKONG ASEAN

https://mekongasean.vn/can-tho-khai-mo-cac-dong-luc-tang-truong-moi-tu-quy-hoach-post31729.html

 

 

 

 

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video