Cần Thơ kêu gọi đầu tư Dự án xử lý rác thải sinh hoạt 400 tấn/ngày đêm

19/11/2021

Thành phố Cần Thơ vừa có văn bản mời gọi đầu tư 3 dự án xử lý chất thải rắn đặt tại huyện Thới Lai, trong đó có Dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt với công suất 400 tấn/ngày đêm.

Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Cần Thơ thuộc sở hữu của Tập đoàn China Everbright International đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Cụ thể, theo Công văn số 5721/UBND-XDĐT do Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện ký, UBND thành phố thống nhất về chủ trương thực hiện mời gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức xã hội hóa đối với 3 dự án: Dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;

Dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay của Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ và Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ công suất 400 tấn/ngày đêm (thêm một lò đốt chất thải rắn mới) theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ.
UBND thành phố giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất danh mục xã hội hóa đối với các dự án nêu trên, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp. Chủ tịch UBND huyện Thới Lai tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu A và B của khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai với diện tích còn lại khoảng 15/35 ha để chủ động trong công tác mời gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị có liên quan nghiên cứu hình thức đầu tư thực hiện xử lý chất thải không đốt được, đảm bảo hiệu quả, khả thi và theo đúng quy định...
Đối với Dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay của Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ, tháng 8/2021, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ (còn gọi là Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ) nằm trong khu xử lý chất thải rắn tại ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, có diện tích 53.531 m2, sử dụng công nghệ đốt rác sinh hoạt phát điện với công suất phát điện 7,5 MW. Nhà máy đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 với khả năng xử lý rác sinh hoạt trung bình khoảng 500 tấn/ngày.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, Nhà máy đã đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, trong đó có công trình lưu giữ, ổn định hóa rắn tro bay phát sinh từ hệ thống xử lý khí thải, công suất thiết kế 40 tấn/ngày, khu vực ổn định hóa tro bay có diện tích khoảng 234 m2, khu vực lưu chứa tạm thời tro bay có diện tích khoảng 1.221 m2.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nhà máy mỗi ngày phát sinh từ 8 - 10 tấn tro bay, do đó khu vực lưu chứa tạm thời tro bay của nhà máy với sức chứa 1.500 tấn đã quá tải từ tháng 5/2019.

Trước tình hình đó, nhà máy đã xin ý kiến thành phố để tạm tro bay phát sinh thêm ra khu đất trống cạnh nhà máy trong khi chờ thành phố bố trí khu chôn lấp chất thải tro bay, với diện tích khoảng 5.000 m2 đang lưu giữ 7.571 tấn tro bay. Hiện số tro bay này đang để lộ thiên ngoài trời.
Trong thời gian chưa có bãi chôn lấp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng môi trường EB Cần Thơ (đơn vị quản lý, vận hành nhà máy) đã đầu tư sử dụng hai lớp lót màng chống thấm và che nắng, che mưa cho lượng tro bay nói trên.

Công nhân thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Song, giải pháp này chỉ là tạm thời, không đúng quy định vì theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của nhà máy được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và xác nhận hồi tháng 9/2020 thì tro bay được xem là chất thải nguy hại.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ, việc quản lý tro bay không hợp lý, xử lý tro bay không hợp kỹ thuật vệ sinh sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Để đảm bảo môi trường trong mùa mưa, lũ, tránh tro bay bị phát tán vào môi trường, Sở đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương đấu thầu, lựa chọn các công ty có năng lực vận chuyển và xử lý số lượng tro bay hiện đang để ngoài trời...
Trước đó, vào đầu năm 2021, UBND thành phố Cần Thơ đã có quyết định phê duyệt Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay của nhà máy nói trên.
Theo quyết định này, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm đều được khuyến khích tham gia. Công nghệ, thiết bị xử lý hiện đại đã triển khai thực tế, có hiệu quả tại Việt Nam hoặc trên thế giới, đảm bảo yêu cầu đồng bộ, tiên tiến, tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.
Thành phố Cần Thơ ưu tiên cho nhà đầu tư có giá dịch vụ xử lý tro bay phù hợp và thấp nhất, thanh toán theo khối lượng xử lý thực tế. Nhà đầu tư chỉ thực hiện xử lý tro bay của Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong Hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt số 06/2017 ngày 22/6/2017 giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng môi trường EB Cần Thơ và thành phố Cần Thơ (ủy quyền cho Sở Xây dựng ký kết hợp đồng) thì Cần Thơ chịu trách nhiệm tìm và cung cấp cho doanh nghiệp diện tích đất cần thiết làm bãi chôn lấp tro bay sinh ra trong quá trình đốt chất thải tại nhà máy được Công ty vận chuyển tới.

Thành phố Cần Thơ phải chịu trách nhiệm xử lý chôn lấp tro bay và chi trả các chi phí liên quan đến việc chôn lấp số tro bay đó./.

 

Nguồn: https://bnews.vn/can-tho-keu-goi-dau-tu-du-an-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-400-tan-ngay-dem/220934.html

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video