Cần Thơ: Giúp doanh nghiệp thực phẩm nâng cao hiệu quả hoạt động trong điều kiện ‘mới’

07/05/2021

Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo công bố báo cáo dự án “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp (DN) trong hệ thống thực phẩm TP Cần Thơ nâng cao hiệu quả sản xuất và cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng giá trị gia tăng cao, trong điều kiện ảnh hưởng bởi Covid-19”.

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Kinh tế - Xã hội (KT - XH) TP Cần Thơ đã thực hiện dự án “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp (DN) trong hệ thống thực phẩm TP Cần Thơ nâng cao hiệu quả sản xuất và cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng giá trị gia tăng cao, trong điều kiện ảnh hưởng bởi Covid-19”.

TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện KT-XH TP Cần Thơ, nêu các khuyến nghị chính sách nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để thúc đẩy doanh nghiệp trong hệ thống thực phẩm TP Cần Thơ nâng cao hiệu quả sản xuất và cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19, việc nghiên cứu kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ DN là cần thiết để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Đồng thời, dự án đóng góp vào 3 kết quả của chương trình Aus4Reform gồm: Tạo lập thị trường cạnh tranh minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu nông thôn. Hoạt động của dự án được lồng ghép vào Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 03/02/2021 của UBND TP Cần Thơ về triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) TP Cần Thơ năm 2021 và Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 05/02/2021 của UBND TP Cần Thơ về Hỗ trợ và phát triển DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Khoa học – Công nghệ, Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong suốt quá trình thực hiện Dự án.

Tại Hội thảo, TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện KT - XH TP Cần Thơ, thông tin về việc tổng hợp kết quả rà soát khung pháp lý ngành thực phẩm và những điểm có thể cải cách. Đánh giá đặc điểm của hệ thống thực phẩm về điểm mạnh và những điểm nghẽn cho sự phát triển, từ kết quả khảo sát 150 DN trong hệ thống thực phẩm và 50 tác nhân trong chuỗi cung ứng rau, củ, quả. Qua đó, dự án đưa ra 6 nhóm khuyến nghị chính sách gồm: Hoàn thiện khung pháp lý về sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiến tạo môi trường kinh doanh; phân cấp quản lý; thúc đẩy DN trong chuỗi rau củ quả cải thiện sản xuất và cung cấp thực phẩm theo hướng chất lượng dinh dưỡng và hàm lượng giá trị gia tăng, đặc biệt là an toàn thực phẩm theo hướng hậu kiểm và phát triển chuỗi cung ứng; khuyến khích DN sản xuất phát triển thị trường trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy DN trong lĩnh vực thực phẩm phục hồi sản xuất kinh doanh dưới các tác động của Covid-19.

Hội thảo cũng ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, trong đó có TS. Cao Nhất Linh, Trường Đại học Cần Thơ về Nâng cao năng lực pháp lý cho DN trong lĩnh vực thực phẩm và DN; ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm và Thực phẩm chức năng TP Cần Thơ về Phát triển hệ thống trung tâm kiểm nghiệm phục vụ chất lượng an toàn thực phẩm; TS. Đoàn Hoài Nhân, Trường ĐH Nam Cần Thơ về Nâng cao năng lực thích ứng và vượt qua thách thức cho DN dưới các tác động của Covid-19; Thạc sĩ Huỳnh Thị Thanh Tuyền, CIAT, về Nâng cao năng lực DN thông qua cách tiếp cận hệ thống thực phẩm chú trọng dinh dưỡng.

Nguồn: https://thoidai.com.vn/

TIN TỨC MỚI NHẤT

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video