Cần Thơ đề ra nhiều giải pháp cải thiện Chỉ số PCI trong năm 2022
Ngày 17/8, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và đề xuất giải pháp cải thiện PCI năm 2022 của TP Cần Thơ”.
Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP cho rằng việc đưa ra các giải pháp khả thi nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2022 là cần thiết, cấp bách.
Tham dự hội thảo có ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.
Phấn đấu Chỉ số PCI Cần Thơ vào top 10 cả nước
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP - cho biết: Trong 5 năm qua, kết quả chỉ số PCI của TP đã được cải thiện nhưng không đáng kể. Trong khi đó, các tỉnh, thành trong cả nước có sự cải thiện mạnh mẽ. Riêng năm 2021, Chỉ số PCI TP đạt 68,06 điểm (tăng 1,73 điểm), giữ nguyên hạng và xếp hạng 12/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL (sau tỉnh Đồng Tháp) và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Tốt” của cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Trường, PCI 2021 của TP Cần Thơ đứng thứ 12 - vị trí thấp nhất trong nhóm tốt - chưa tương xứng với vị trí là địa phương trung tâm của vùng ĐBSCL về dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục… Do vậy, việc đưa ra các giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo là rất cần thiết, cấp bách, nhất là việc cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có điểm giảm trong năm 2021 như: Gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; đào tạo lao động; đồng thời, không ngừng duy trì, giữ ổn định điểm số của các chỉ số thành phần có điểm số tăng trong thời gian qua, phấn đấu đưa Cần Thơ vào top 10 cả nước trong năm 2022 về Chỉ số PCI.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe phân tích Chỉ số PCI của TP. Cần Thơ trong thời gian qua từ phía Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai đạt kết quả cao chỉ số PCI của tỉnh Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, từ điểm số PCI đến thứ hạng của TP Cần Thơ khá ổn định trong suốt gần 10 năm qua. Các điểm mạnh của TP Cần Thơ đó là tính năng động và tiên phong của lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành kinh tế, được doanh nghiệp đánh giá rất cao; đặc biệt là tính năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, tính linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thái độ của chính quyền đối với khu vực tư nhân. Về đào tạo lao động, TP từ thứ hạng 32 (năm 2020) lên top 20 của cả nước trong năm 2021; đặc biệt, so với tỷ lệ lao động được đào tạo trong độ tuổi lao động thì Cần Thơ đứng đầu khu vực ĐBSCL. Về chi phí không chính thức, TP cũng được đánh giá khá cao, dẫn đầu cả vùng về tỉ lệ doanh nghiệp không phải chi trả chi phí không chính thức, nhưng ngược lại doanh nghiệp lại mất nhiều thời gian cho thủ tục hành chính. Về thiết chế pháp lý cũng tăng dần qua các năm, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng TP sẽ rất nghiêm túc trong việc xử lý cán bộ sai phạm tăng dần từ 35% lên 62%.
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP - phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Bên cạnh những điểm sáng tích cực, ông Nguyễn Phương Lam cũng nêu một số điểm cần cải thiện của PCI TP Cần Thơ trong thời gian tới. Đó là chi phí về thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính, đây là chỉ số được doanh nghiệp không đánh giá cao thời gian qua. Cụ thể, năm 2018-2019, có 55% doanh nghiệp cho rằng không cần phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu, chữ ký nhưng đến năm 2020 có đến 77%, năm 2021 có 68% doanh nghiệp cho rằng phải đi lại nhiều lần để xin chữ ký, con dấu để hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó cần cải thiện về chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin…
Để duy trì, phát triển các chỉ số thành phần tăng điểm, đồng thời khắc phục các chỉ số thành phần giảm điểm, theo Giám đốc VCCI Cần Thơ, TP cần quan tâm, nâng cao chất lượng cổng thông tin điện tử của chính quyền, bổ sung và cập nhật đầy đủ thông tin, biểu mẫu thủ tục hành chính theo quy định và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giải quyết kịp thời các khiếu nại, kiến nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính sự công bằng, minh bạch; ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin trong đấu thầu, quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất của các địa phương để các doanh nghiệp thuận tiện khai thác, nghiên cứu…
Trong khi đó, theo ông Trương Hồng Dự - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - để cải thiện chỉ số tính minh bạch trong đánh giá chỉ số PCI của TP, cần tập trung vào mốt số vấn đề như: Cập nhật các văn bản liên quan đến quy hoạch, tài liệu pháp lý cho công dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử TP và trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương đầy đủ, kịp thời, nội dung phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, triển khai các thủ tục liên quan đến thuế, nhất là kê khai và nộp thuế điện tử; đồng thời, tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp và doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện, giám sát thực hiện chính sách đầy đủ.
Xây dựng tư duy đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ở các cấp chính quyền
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP - đề nghị, trước mắt TP cần rà soát chỉ số thành phần bị giảm điểm, có thứ hạng thấp (như chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; gia nhập thị trường; tính minh bạch; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý; tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức…) để có giải pháp và tiêu chí cụ thể để phấn đấu; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chỉ số thành phần, thứ hạng thấp hoặc giảm điểm…
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại hội thảo
Về giải pháp căn cơ, ông Phạm Văn Hiểu cho rằng cần hoàn thiện các chính sách trên từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của TP, nhất là lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư; cụ thể hóa và ban hành Bộ tiêu chí về chỉ số năng lực cạnh tranh cho TP, cho các sở ngành, quận, huyện. Nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu các cấp (kể cả cấp phòng) trong tham mưu, giải quyết công việc, thực hiện mệnh lệnh cấp trên giao. “Người đứng đầu các cấp phải năng động, tiên phong trong thực hiện vài trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng ta phải xây dựng tư duy là đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ở các cấp chính quyền”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch quyết định, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch kế hoạch sử đất, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các lĩnh vực và dự án thu hút đầu tư; đổi mới và nâng cao chất lượng đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết ngay các vướng mắc, hạn chế của từng cấp chính quyền, từng lĩnh vực.
Nguồn: Thanh Xuân - Cổng thông tin điện tử Cần Thơ
Các tin khác
Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.