5.300 doanh nghiệp ở ĐBSCL ngừng hoạt động và giải thể

20/08/2020

TPO - Do tác động của dịch COVID-19, số doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao. Với làn sóng dịch thứ hai đang chuyển biến phức tạp, tình hình hoạt động của DN trong thời gian tới sẽ còn nhiều bất ổn...

Thông tin vừa được Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho hay. Cụ thể, trong tháng 7/2020, số DN đăng ký thành lập mới tại ĐBSCL giảm nhẹ so với tháng trước, đạt 912 DN với số vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động.

Trong đó, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang là các địa phương có số DN thành lập mới nhiều nhất toàn vùng, đều trên 100 DN. Tính hết 7 tháng đầu năm, toàn vùng ĐBSCL có hơn 5.000 DN thành lập mới, gần 2.000 DN quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, số DN tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao. Cụ thể, có hơn 1.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 2.600 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hơn 1.000 DN đã giải thể.

Tình hình hoạt động của các DN dự báo sẽ còn khó khăn. Ảnh: CK

Theo VCCI Cần Thơ, với làn sóng dịch thứ hai đang chuyển biến phức tạp, tình hình hoạt động của DN trong thời gian tới sẽ còn nhiều bất ổn.

Trong khi đó, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa có xu hướng hồi phục. Trong tháng 7, vùng ĐBSCL đã thu hút thêm 8 dự án với tổng số vốn đầu tư 52 triệu USD. Long An vẫn dẫn đầu về số lượng dự án khi có thêm 5 dự án với hơn 13 triệu USD. Còn Cần Thơ dù chỉ thu hút thêm 1 dự án nhưng số vốn lớn nhất toàn vùng (31 triệu USD).

Trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL đạt hơn 2,5 tỷ USD với gần 990 triệu USD thặng dư thương mại. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng vẫn tăng 11% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Long An, Tiền Giang và Bến Tre là 3 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vùng với tỷ trọng lần lượt chiếm 32%, 18% và 8%.

Với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ngày 31/7 vừa qua, VCCI Cần Thơ đã công bố đưa vào vận hành Cổng thông tin tư vấn EVFTA trực tuyến, nhằm cung cấp các thông tin cụ thể về EVFTA một cách nhanh chóng, thuận tiện nhưng chuyên sâu và hiệu quả cho DN ở ĐBSCL.

Để thực hiện chương trình này, VCCI Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm WTO và Hội nhập, cùng các chuyên gia tư vấn độc lập trong các lĩnh vực chuyên sâu với vai trò là thành viên hội đồng tư vấn.

Vui lòng để lại email, Viện sẽ gởi các bài viết mới nhất đến bạn ngay khi bài viết được đăng tải.

Video